QUỐC HỘI THẢO LUẬN THEO TỔ VỀ CÁC BÁO CÁO CÔNG TÁC NHIỆM KỲ KHÓA XIV CỦA CÁC CƠ QUAN

25/03/2021

Theo chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, chiều 25/3, Quốc hội thảo luận tại tổ về các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.

Thảo luận tại Tổ 03 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Tây Ninh và TP.Đà Nẵng

Thảo luận tại Tổ 03 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Tây Ninh và TP.Đà Nẵng, dưới sự điều hành của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao với các dự thảo báo cáo và cho rằng nhiệm kỳ khóa XIV các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để lại dấu ấn và niềm tin trong lòng cử tri và Nhân dân cả nước.

Bên cạnh đó các đại biểu cũng gửi gắm nhiều kiến nghị, bày tỏ mong muốn Quốc hội khóa XV tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, giải quyết những vấn đề còn dang dở, khắc phục tồn tại hạn chế để nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, bày tỏ nhất trí với các nội dung của các báo cáo, ghi nhận các báo cáo được chuẩn bị công phu, được góp ý qua nhiều vòng. Theo đại biểu, nhiệm kỳ vừa qua, nhất là trong năm 2020 có 3 kết quả nổi bật cần được nhấn mạnh. Một là thành tựu trong phòng chống COVID-19. Hai là điểm sáng về kinh tế khi Việt Nam là 1 trong 4 nước trên thế giới có tăng trưởng dương. Ba là thực hiện vai trò quốc tế với trọng trách là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, có được những thành tựu này là do chỉ đạo sáng suốt của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, năng động tích cực của Chính phủ và sự đồng thuận của người dân. Sự đồng thuận của người dân thể hiện rõ nhất là trong công tác phòng chống COVID-19. Nếu không có sự đồng thuận của người thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ như đeo khẩu trang, sát khuẩn, hạn chế tụ tập đông người… thì nước ta khó có thể thành công được trong phòng chống dịch bệnh.

Đối với nhiệm vụ thời gian tới, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến đề nghị cần tiếp tục giữ kết quả trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, coi việc tham gia vào lĩnh vực y tế như xuất khẩu trang thiết bị y tế, vắc xin…là điểm mới trong phát triển kinh tế. Cùng với đó là xem xét thực hiện các chính sách như hộ chiếu vắc xin để cứu ngành du lịch, cứu ngành hàng không.

Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội khóa mới cần chú ý, nhất là tại kỳ họp đầu tiên cần nhanh chóng nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội để phát huy những điểm mạnh, sửa đổi những vấn đề hạn chế, tạo sự ổn định để Quốc hội hoạt động hiệu quả, không chồng chéo như vấn đề về Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh

Quốc hội khóa mới cũng cần nâng cao hơn nữa sự chủ động của Quốc hội trong lập pháp và giám sát. Trong lập pháp từ khóa 12 đã có đại biểu thực hiện sáng kiến lập pháp đến khóa 14 cũng có đại biểu thực hiện sáng kiến pháp luật. Do đó nên có cách thức để dự án luật của đại biểu đưa ra không quá khó ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của đại biểu, cần ủng hộ và tạo điều kiện cho đại biểu, cần chủ động hơn nữa trong kế hoạch lập pháp để khóa XV và các khóa sau sẽ có những luật do đại biểu Quốc hội trình. Trong giám sát, cần quan tâm hơn hậu giám sát, xem xét việc thực hiện và hiệu quả thực hiện các kiến nghị của Đoán giám sát.

Theo đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, thời gian tới cần có điều chỉnh trong công tác điều hành phiên thảo luận, chất vấn của Quốc hội. Đại biểu Bùi Văn Phương làm rõ, thực tế chất lượng các đại biểu không đồng đều, có những đại biểu phát biểu vấn đề toàn diện mang tầm lý luận thực tiễn nhưng cũng có ý kiến còn hạn chế hoặc theo dư luận. Do đó khi đại biểu phát biểu nhất là những vấn đề nhạy cảm thì cần có ý kiến phản hồi của cơ quan soạn thảo hoặc thẩm tra hoặc trong điều hành của lãnh đạo Quốc hội có sự điều chỉnh để tránh những ý kiến mang tính chất cá nhân của đại biểu nhưng chưa thật xác đáng, đầy đủ. Điều này góp phần vào định hướng nhận thức chung, tránh hiểu sai hoặc bị lợi dụng.

Về chất vấn, đại biểu cho biết, chỉ tại kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ mới tiến hành chất vấn tất cả các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm còn các kỳ họp trước đó đều chất vấn theo nhóm vấn đề. Trong khi người dân quan tâm nhất là chất vấn, từ đó làm rõ những vấn đề cuộc sống đặt ra, những vấn đề người dân quan tâm gửi gắm qua đại biểu. Đại biểu cho rằng từ nay các phiên chất vấn không nên hạn chế theo nhóm vấn đề mà đại biểu được chất vấn tất cả các vấn đề mình quan tâm, cử tri, cuộc sống đặt ra.

Đại biểu Bùi Văn Phương – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình

Ngoài ra, đại biểu Bùi Văn Phương cũng đề nghị quan tâm hơn đến công tác lựa chọn đại biểu Quốc hội. Đại biểu Bùi Văn Phương nêu rõ, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi đại biểu Quốc hội thực sự phải là những người tiêu biểu, tuy nhiên về mặt pháp lý, lý luận chưa xác định rõ địa vị cho đại biểu Quốc hội trong khi ở các nước xác định rõ đại biểu Quốc hội là chính khách chuyên nghiệp. Thậm chí, các cán bộ từ cấp cơ sở thôn xã … đều có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và chọn lọc, trong khi đại biểu Quốc hội với vai trò, nhiệm vụ to lớn nhưng không hề bài bàn trong công tác chuẩn bị để lựa chọn được người vào Quốc hội thực sự là đại diện cho các tầng lớp xã hội nhưng cũng phải đại diện cho trí tuệ, phẩm chất, năng lực. Đại biểu cho biết, hiện nay chưa có quy trình lựa chọn, chuẩn bị nguồn nhân sự tham gia Quốc hội để chủ động quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và cho tiếp cận hoạt động của các cơ quan dân cử, khi đó đến kì bầu cử chọn được những vị đại biểu tiêu biểu, bảo đảm chất lượng, tránh để đến sát kỳ bầu cử mới lựa chọn.

Cùng với đó, đại biểu Bùi Văn Phương cũng kiến nghị cần tăng cường hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách, tiếp tục tăng số lượng đại biểu chuyên trách; tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của các cơ quan vào các ngày 26/3, 29 và 30/3./.

Bảo Yến - Minh Thành