QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG: NỘI DUNG ĐIỀU LỆ ĐẢNG ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU, NHIỆM VỤ CỦA CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

27/03/2021

Báo cáo Chuyên đề tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cho biết nội dung Điều lệ Đảng đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Tính đến hết ngày 30/9/2020, toàn Đảng có 5.192.533 đảng viên.

Báo cáo chuyên đề về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết: Sau Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Ban Bí thư đã ban hành Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 20/9/2016 về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc ở Trung ương nghiên cứu, trình Trung ương bổ sung, sửa đổi và ban hành nhiều quy định, hướng dẫn có liên quan nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thi hành Điều lệ Đảng. Việc thi hành các nội dung của Điều lệ Đảng đã được các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện, rõ rệt.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Trên cơ sở Điều lệ Đảng, căn cứ vào tình hình thực tiễn của công tác xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã xây dựng và ban hành Quy định thi hành Điều lệ Đảng, tạo thuận lợi cho việc thi hành Điều lệ Đảng nói chung và triển khai thực hiện công tác đảng viên nói riêng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục cụ thể hóa nhiều nội dung về công tác đảng viên và quản lý đảng viên; nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo; kết luận một số vấn đề về đảng viên làm kinh tế tư nhân; về xác định tuổi của đảng viên; về việc kết nạp người vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng... Các cơ quan tham mưu, giúp việc ở Trung ương tăng cường tham mưu nghiệp vụ công tác đảng viên, nhất là về nguyên tắc, quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên, chuyển đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức, kết nạp đảng viên ở những nơi chưa có tổ chức đảng... Nhìn chung, các quy định về đảng viên, công tác quản lý đảng viên cơ bản phù hợp và đáp ứng tình hình thực tế, được các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác phát triển đảng viên tiếp tục được cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo thực hiện đạt kết quả tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến ngày 30/9/2020, toàn Đảng đã kết nạp 880.155 đảng viên. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương có tỷ lệ kết nạp đảng viên tăng bình quân hằng năm cao như Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Lào Cai, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Tính đến hết ngày 30/9/2020, toàn Đảng có 5.192.533 đảng viên; cơ cấu đảng viên chuyển biến theo hướng tích cực, tỷ lệ đảng viên trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo ngày càng tăng.

Cùng với việc quan tâm phát triển đảng viên mới, các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng và có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Nhiều cấp ủy đã cụ thể hóa tiêu chuẩn của người vào Đảng phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ của đảng viên, nhất là của số đảng viên kết nạp trong nhiệm kỳ này được nâng lên. Tính đến ngày 30/9/2020, có 2.370.206 đảng viên có trình độ đại học và cao đẳng (tăng 34,59% so với cùng kỳ năm 2014); 215.442 đảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên (tăng 81,29% so với cùng kỳ năm 2014). Trong số 880.155 đảng viên mới được kết nạp từ đầu nhiệm kỳ, 41,5% có trình độ từ đại học trở lên.

Quy định của Điều lệ Đảng về nhiệm vụ của đảng viên cơ bản được chấp hành nghiêm túc. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã cụ thể hóa việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên bằng những hình thức phù hợp với năng lực của đảng viên và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần tăng cường quản lý và đánh giá đảng viên chặt chẽ, chính xác hơn. Ý thức trách nhiệm, vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được phân công có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều nơi đã làm tốt việc phân công cấp ủy viên theo dõi, phụ trách các tổ chức đảng cấp dưới, trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ; nhiều chi bộ đã phân công đảng viên theo dõi, phụ trách hộ gia đình.

Công tác quản lý đảng viên có đổi mới. Thủ tục cho đảng viên được giảm, miễn công tác và sinh hoạt đảng chặt chẽ hơn. Việc chuyển sinh hoạt đảng, nhất là chuyển sinh hoạt đảng ra ngoài nước được đơn giản hóa nhưng vẫn bảo đảm đúng nguyên tắc và tạo thuận lợi cho đảng viên. Việc giải quyết đảng tịch được Trung ương hướng dẫn cụ thể hơn và được các cấp ủy thực hiện nghiêm túc; trong quá trình giải quyết đảng tịch có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp trên và cấp dưới, một số trường hợp đặc biệt khó khăn, cấp tỉnh, cấp huyện đã trực tiếp về chi bộ, cấp ủy cơ sở nơi đảng viên đang sinh hoạt hoặc đã từng sinh hoạt nắm tình hình và giải quyết kịp thời.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, đó là tình trạng kết nạp người chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, người có động cơ không đúng đắn vào Đảng. Còn có biểu hiện chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng, chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục quần chúng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị. Việc kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, ở biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo… vẫn còn nhiều khó khăn và chưa được quan tâm đúng mức. Việc giao chỉ tiêu kết nạp đảng của một số đảng bộ chưa thực sự phù hợp với thực tế.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Về nguyên tắc tổ chức và cơ cấu tổ chức của Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng được quy định trong Điều lệ Đảng đã cơ bản bảo đảm tính bao quát, toàn diện, đầy đủ và phù hợp. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa Điều lệ Đảng về nguyên tắc tổ chức và cơ cấu tổ chức của Đảng còn có nội dung chưa phù hợp. Nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện chưa nghiêm, thậm chí có nơi còn vi phạm nghiêm trọng.

Về cơ quan lãnh đạo của Đảng ở cấp Trung ương, các quy định về Đại hội đại biểu toàn quốc, về Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan lãnh đạo là phù hợp, phát huy hiệu quả trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của đại hội; những chủ trương, chính sách về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng và thí điểm một số chủ trương mới, phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Ban Chấp hành Trung ương đã xây dựng Chương trình công tác toàn khóa, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cơ bản triển khai theo đúng chương trình đề ra, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đúng Quy chế làm việc đã được ban hành. Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã kế thừa những nội dung phù hợp của khóa trước và bám sát thực tiễn để bổ sung; trong đó phân định rõ ràng, cụ thể hơn nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng. Chương trình làm việc toàn khóa thể hiện sự chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng hiệu quả. Hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và có sự đoàn kết, thống nhất cao trong các quyết định của mình, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, phức tâm góp phần quan trọng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Đối với cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp địa phương, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp địa phương được quy định trong Điều lệ Đảng cơ bản là phù hợp. Để cụ thể hóa các quy định của Điều lệ Đảng, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản, quy định phù hợp tình hình thực tế, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp huyện được quy định cụ thể hơn.

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa, bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc của một số cấp ủy còn chậm. Việc chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện một số nội dung trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng có nơi, có lúc, có mặt thiếu quyết liệt, chưa kịp thời, hiệu quả thấp.

Về tổ chức cơ sở đảng, các quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản cụ thể hóa thi hành Điều lệ Đảng trong nhiệm kỳ về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng cơ bản đáp ứng tình hình thực tế. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số chủ trương về xây dựng tổ chức cơ sở đảng; bổ sung, sửa đổi quy định về: chức năng, nhiệm vụ của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng; tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; hướng dẫn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, đa số tổ chức cơ sở đảng đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng hằng năm tiếp tục được đổi mới, từng bước khắc phục bệnh thành tích, đúng thực chất hơn, góp phần bảo đảm việc thi hành Điều lệ Đảng chặt chẽ, nghiêm túc.

Cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên bằng các hình thức khác nhau.

Về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cơ bản phù hợp và phát huy hiệu quả, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng. Bám sát Điều lệ Đảng, Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, các quy định về ủy ban kiểm tra của cấp ủy và bầu ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra để thực hiện.

Bộ Chính trị đã ban hành một số quy định cụ thể về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Ban Bí thư đã cụ thể hóa một số nội dung về chỉ đạo của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với ủy ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát; về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên…

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Điểm mới trong nhiệm kỳ này là kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương ngay từ năm đầu triển khai. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo hướng siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nội dung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, chú trọng chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.091 tổ chức đảng và 1.124.146 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên (trong đó có 23.432 cấp ủy viên). Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên bằng các hình thức khác nhau; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, dư luận bức xúc.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII không bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.

Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng đã nêu rõ, nội dung các quy định của Điều lệ Đảng về đảng viên, về nguyên tắc tổ chức và cơ cấu tổ chức của Đảng, về cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Trung ương và địa phương, về tổ chức cơ sở đảng, về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam, về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp, về khen thưởng và kỷ luật, về Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, về Đảng lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và về tài chính của Đảng cơ bản phù hợp tình hình thực tế.

Sau Đại hội XII, Trung ương đã sớm bổ sung, sửa đổi Quy định thi hành Điều lệ Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành các quy định, hướng dẫn tương đối đồng bộ, thống nhất để thực hiện trong toàn Đảng. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Trung ương và địa phương cơ bản đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành Điều lệ Đảng. Việc thi hành nghiêm túc các quy định của Điều lệ Đảng đã bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và Công an, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Đạt được những kết quả nêu trên là do những nội dung quy định của Điều lệ Đảng cơ bản phù hợp tình hình thực tiễn và đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Trách nhiệm của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được đề cao. Sự chủ động, tích cực của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp. Ý thức tự giác chấp hành của tổ chức đảng, đảng viên và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thi hành Điều lệ Đảng của Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng có lúc chưa quyết liệt. Việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Điều lệ Đảng chưa được quan tâm đúng mức. Cán bộ chuyên trách công tác xây dựng Đảng ở một số nơi chưa nắm vững Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương để tham mưu cho cấp ủy. Một bộ phận cấp ủy viên, đảng viên chưa chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, thậm chí còn vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của đảng viên. Nguyên tắc tập trung dân chủ có nơi, có lúc thực hiện chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Quá trình thi hành Điều lệ Đảng còn gặp một số vướng mắc, bất cập như: hình thức sinh hoạt định kỳ của chi bộ có đông đảng viên, hoạt động phân tán; sinh hoạt định kỳ của đảng bộ cơ sở; chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ bộ phận; cơ quan đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị trong Công an nhân dân, cơ cấu cấp ủy viên trong đảng ủy công an cấp tỉnh, cấp huyện chưa có thành phần các đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp ngoài lực lượng công an; phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền của ủy ban kiểm tra; việc bố trí cán bộ kiểm tra chuyên trách cho các đảng bộ cơ sở có từ 300 đảng viên trở lên; công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp trên đối với tổ chức đảng cấp dưới... Những vướng mắc, bất cập nêu trên chủ yếu liên quan đến nội dung trong các quy định, hướng dẫn của Trung ương, nhưng cũng có một số nội dung cần phải nghiên cứu để đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay và phù hợp với thực tế.

Qua tổng hợp ý kiến của các cấp ủy tổ chức đảng, đại hội đảng bộ các cấp, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân, Bộ Chính trị đã trình Trung ương tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11, lần thứ 13, lần thứ 14 về một số nội dung đề nghị nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng. Sau khi thảo luận, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất đề nghị Đại hội XIII xem xét, quyết định giữ nguyên Điều lệ Đảng hiện hành. Đại hội XIII đã đồng ý không bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và giao Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu để điều chỉnh thông qua các quy định, hướng dẫn của Trung ương./.

Lan Hương