CỬ TRI TỈNH QUẢNG NGÃI ĐỀ NGHỊ RÀ SOÁT MỌI YẾU TỐ ĐỂ GIỜ HỌC PHÙ HỢP VỚI TUỔI HỌC SINH, GIỜ LÀM VIỆC Ở TỪNG ĐỊA PHƯƠNG

31/03/2021

Cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát tình hình thực tiễn, đặc điểm sinh hoạt, thời tiết từng địa phương, vùng miền,... để chỉ đạo các địa phương thống nhất các giờ học cho phù hợp với độ tuổi học sinh, giờ làm việc từng nơi; ban hành hướng dẫn để việc điều chỉnh khung giờ học của học sinh cho phù hợp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi gửi tới trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tại Công văn số 386/BDN ngày 29/10/2020 của Ban Dân nguyện. Nội dung kiến nghị nêu rõ: Về khung giờ học - giờ nghỉ của học sinh, nhiều phụ huynh phản ánh, khung giờ vào học một số trường quá sớm vào buổi sáng và buổi chiều gây khó khăn cho học sinh về bảo đảm giấc ngủ và thích nghi về giờ sinh học. Đồng thời, mỗi trường, mỗi lớp học có giờ nghỉ giữa buổi khác nhau (như: buổi sáng nghỉ lúc 10h15, 10h30, 11h15...; Buổi chiều nghỉ lúc 16h30, 17h, 17h15...) đã gây khó khăn cho việc phụ huynh đưa đón con em. Đặc biệt là người trong khối cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, công nhân,... vì chưa hết giờ nghỉ làm (nếu tự đón thì vi phạm giờ làm việc hoặc không thể thực hiện; nếu thuê người đón thì tăng chi phí gia đình).

Cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát tình hình thực tiễn, đặc điểm sinh hoạt, thời tiết từng địa phương, vùng miền,... để chỉ đạo các địa phương thống nhất các giờ học cho phù hợp với độ tuổi học sinh, giờ làm việc từng nơi; ban hành hướng dẫn để việc điều chỉnh khung giờ học của học sinh cho phù hợp. Đồng thời, có chỉ đạo về việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản bảo đảm nâng cao khả năng học bán trú, nhất là cấp Tiểu học để tạo điều kiện làm việc cho phụ huynh, tăng cường kỹ năng, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho học sinh.


Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị thống nhất các giờ học cho phù hợp với độ tuổi học sinh, giờ làm việc của từng địa phương (ảnh minh họa).

Trả lời kiến nghị của cử tri, tại Công văn số 265/BGDĐT-GDTrH ngày 20/1/2021 gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Về việc ban hành hướng dẫn để điều chỉnh khung giờ học của học sinh, Bộ đã giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục từ năm học 2013 đến nay. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên để các địa phương chủ động kế hoạch; văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đối với các bậc học, trong đó giao quyền chủ động cho các Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào nội dung tại văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học và tình hình cụ thể của địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện.

Như vậy, việc quy định chung về khung giờ làm việc tại các nhà trường được giao quyền chủ động cho các địa phương chủ động xây dựng trên cơ sở căn cứ vào điều kiện thời tiết, khí hậu ở vùng, miền, địa phương; số tiết học của từng cấp học và căn cứ vào trường học 1 buổi hay 2 buổi. Đối với một số thành phố, khung giờ học của học sinh được bố trí theo cụm các quận, huyện và chênh lệch với nhau để giảm, tránh ùn tắc giao thông. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu để có hướng dẫn địa phương cụ thể hơn trong việc điều chỉnh khung giờ học của học sinh bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn. 

Về việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản, để hỗ trợ các địa phương khó khăn tăng cường cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ cân đối, bố trí các nguồn vốn như: nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học tại các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020; nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020...

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, theo đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung: hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; đảm bảo ngân sách địa phương chi cho giáo dục đào tạo, dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu Chính phủ; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng...) để góp phần đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. 

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan báo cáo Chính phủ quan tâm tới các tỉnh vùng núi, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và các tỉnh còn khó khăn để hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Bích Lan