Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điểm lại những kết quả hoạt động chính của Ủy ban Pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tại buổi tổng kết công tác
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra 05 nghị quyết liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, để kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra và giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý 02 nghị quyết của Quốc hội về tổ chức bộ máy của Chính phủ. Đó là Nghị quyết số 09/2016/QH14 của Quốc hội về tổ chức bộ máy của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) và Nghị quyết số 15/2016/QH14 của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Việc Quốc hội thông qua 02 nghị quyết này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Để phù hợp với chủ trương đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trên cơ sở các quy định về tổ chức chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý 03 nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng và tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh (đều bắt đầu thực hiện từ ngày 01/7/2021).
Việc Quốc hội quyết định thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng, quyết định tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn, hải đảo, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của quá trình phát triển, đô thị hóa và hội nhập quốc tế của các thành phố. Việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các thành phố này sẽ mang lại nhiều giá trị thực tiễn, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước.
Thành tựu nổi bật của Ủy ban Pháp luật trong nhiệm kỳ này là thẩm tra và phục vụ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định để giảm số lượng, tăng quy mô các đơn vị hành chính theo chủ trương của Đảng.
Ngay từ khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW thì việc sắp xếp thu gọn hợp lý, kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quyết định quan trọng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” là cơ sở để Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Trước đó, trong hai năm 2016-2017, Ủy ban Pháp luật đã được Quốc hội giao chủ trì giúp Đoàn giám sát của Quốc hội triển khai nội dung giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”. Trên cơ sở kết quả giám sát, ngày 24/11/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết được ban hành là cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đồng bộ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nhằm giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ nói trên, Ủy ban Pháp luật đã chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản số 262/UBTVQH14-PL ngày 17/4/2018 thống nhất thực hiện các quy định về điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tiếp đó, ngay sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra và tiếp thu, chỉnh lý để trình UBTVQH thông qua Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát toàn bộ các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên phạm vi toàn quốc, báo cáo cấp có thẩm quyền tiến hành sắp xếp đối với những đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 12/2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua tổng cộng 46 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể là, đã tiến hành sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.041 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 557 đơn vị hành chính cấp xã. Đến nay đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 theo đúng chủ trương, kế hoạch của Trung ương, Bộ Chính trị.
Nhiệm kỳ khóa XIV, Ủy ban Pháp luật đã có nhiều đổi mới trong cách làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều sáng kiến nhằm rút ngắn thời gian xem xét quyết định các vấn đề
Có thể nói, việc Ủy ban Pháp luật thẩm tra và tham mưu, giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và tác động rất lớn đến xã hội, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị, tạo hiệu ứng tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, nâng cao chất lượng và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 01/2021, Ủy ban Pháp luật còn thẩm tra, tham mưu, giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về việc thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính tại 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập 11 thành phố, 9 thị xã, 16 thị trấn, 136 phường trên cơ sở các đơn vị hành chính nông thôn hoặc đô thị hiện có. Việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định nâng cấp, thành lập mới các đơn vị hành chính đô thị đã góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, kiện toàn bộ máy chính quyền đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên đất và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Đồng thời, nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc giữa các địa phương liên quan đến việc phân định, xác định địa giới hành chính của các đơn vị hành chính, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã kiến nghị để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và chính quyền địa phương có liên quan khẩn trương rà soát các khu vực có tranh chấp về địa giới hành chính do lịch sử để lại; chủ động xử lý dứt điểm theo thẩm quyền, bảo đảm sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương có liên quan. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ và các Bộ, ngành, chính quyền địa phương rà soát, xác định lại, chuẩn hóa đường địa giới hành chính của một số đơn vị hành chính và xử lý dứt điểm các tranh chấp địa giới đã tồn tại nhiều năm do lịch sử để lại.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Pháp luật, nhất là các kết quả trong việc thẩm tra các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương, góp phần thực hiện đúng chủ trương của Đảng
Ghi nhận những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng Ủy ban Pháp luật đã tham gia tích cực, trong việc chủ trì giúp Đoàn giám sát của Quốc hội triển khai nội dung giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”, tạo tiền đề cho việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng chủ trương của Đảng. Đặc biệt, với cách làm mới, Ủy ban Pháp luật đã rút ngắn thời gian của các thủ tục khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Có những việc trước đây phải làm trong 3 tháng, thì nay chỉ cần trong một buổi. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là một đóng góp lớn của tập thể Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban và Vụ Pháp luật./.