ĐOÀN ĐBQH VIỆT NAM THAM DỰ HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN AIPA VỀ MA TÚY LẦN THỨ 4 (AIPACODD 4)

24/05/2021

Sáng ngày 24/5, theo giờ Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 4 (AIPACODD 4): “Vượt qua những thử thách đương đại và ứng phó hướng tới ASEAN không ma túy”.

 

Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 4 (AIPACODD 4)

Chủ tịch AIPACODD 4, thành viên Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam Nik Hafimi Abdul Haadii chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị trực tuyến AIPACODD 4 có đại biểu 10 Nghị viện thành viên AIPA; Tổng Thư ký và Ban Thư ký AIPA; đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà.

Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên đã thông qua Chương trình nghị sự và Chương trình làm việc; đồng thời nghe Báo cáo của Liên Hợp quốc về ma túy và tội phạm; Báo cáo của ASEAN về ma túy; Báo cáo của các quốc gia thành viên AIPA.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 4, Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân cho biết, vấn đề ma túy ở các nước ASEAN nghiêm trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa và sự tiến bộ của công nghệ góp phần làm gia tăng các hoạt động trồng, sản xuất, vận chuyển và buôn bán ma túy, đặt ra thách thức lớn với ASEAN và đòi hỏi các quốc gia phải đoàn kết, nỗ lực hợp tác ứng phó với ma túy. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đáng kể tới các nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát ma túy của các nước ASEAN.

Tổng Thư ký AIPA cũng cho biết, ASEAN đã đưa ra lập trường không khoan nhượng với ma túy; thực thi Kế hoạch hành động bảo vệ Cộng đồng ASEAN chống lại hiểm họa ma túy cho giai đoạn 2016 - 2025 nhằm kiểm soát các hoạt động liên quan đến ma túy, nâng cao nhận thức về hiểm hoạ ma túy và tăng cường nghiên cứu về tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường ma tuý, nhằm đưa ra những biện pháp ứng phó phù hợp thông qua đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế. Kế hoạch hợp tác ASEAN để giải quyết vấn đề sản xuất và buôn bán ma túy bất hợp pháp trong Tam giác vàng 2017 - 2019, Tuyên bố chung ASEAN phản đối việc hợp pháp hóa sử dụng ma túy năm 2018  và Tuyên bố chung ASEAN năm 2019 cũng tái khẳng định cam kết chung của ASEAN đối với tầm nhìn xây dựng Cộng đồng ASEAN không có ma túy…

Nhằm ủng hộ ASEAN trong xác định các mục tiêu và ưu tiên trong phòng, chống ma túy, các nghị viện thành viên AIPA đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm cung - cầu về ma túy thông qua việc ban hành và thực thi các chính sách ở tầm quốc gia về phòng chống ma túy, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, nhất là giữa các cơ quan tư pháp, thực thi pháp luật và khu vực y tế.

Tổng Thư ký AIPA nêu rõ, hội nghị AIPACODD 4 là dịp để các nghị viện thành viên AIPA cập nhật tình hình triển khai các biện pháp kiểm soát ma túy ở các quốc gia ASEAN kể từ hội nghị AIPACODD 3 diễn ra vào tháng 6/2020; rà soát, đánh giá việc thực hiện các cam kết được thể hiện trong các Nghị quyết được thông qua tại các Đại hội đồng AIPA trước, trong đó khẳng định lập trường không khoan nhượng với ma túy, tăng cường hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA hướng đến một cộng đồng ASEAN không có ma túy.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai và Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà đại diện Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị

Thay mặt đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà cho biết, dưới tác động của tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và trong khu vực, cùng với tác động của dịch bệnh Covid-19, tội phạm và tệ nạn ma túy ở Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà, tội phạm ma túy ngày càng manh động, có hiện tượng cấu kết giữa người Việt Nam với người nước ngoài trong việc thành lập đường dây mua bán, vận chuyển ma túy trái phép; những đối tượng này hoạt động có tổ chức, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt. Nguồn ma túy vẫn chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ và một phần qua tuyến đường hàng không, đường biển. Đáng chú ý là thực trạng đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa và sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy, nhất là sử dụng ma túy tổng hợp tại những nơi kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường, karaoke, các loại hình nhà nghỉ không giường, trang bị đèn xoay và ampli, loa phát nhạc kỹ thuật số (phòng lắc)...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà nêu rõ, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy, Quốc hội Việt Nam đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan, đó là: Luật Xử lý vi phạm hành và Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, đã sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy nhằm ngăn chặn, đấu tranh, từng bước loại trừ, hạn chế đến mức thấp nhất thực trạng tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy gây nhức nhối trong xã hội với nhiều điểm mới, cụ thể như: Bổ sung thêm 1 Chương mới về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đồng thời, Luật Phòng, chống ma túy( sửa đổi ) còn bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, nguyên tắc phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cần phải được kiểm soát. Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy. Bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy. Quy định rõ các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy. Bổ sung các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp cai nghiện ma túy.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà nhấn mạnh, chủ động ứng phó với những thách thức đặt ra trong bối cảnh dại dịch Covid-19, Việt Nam kêu gọi các quốc gia: Tăng cường nhận thức về tệ nạn ma túy và tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường ma túy để từ đó có những điều chỉnh các chương trình, kế hoạch ứng phó ma túy phù hợp, thích ứng với tình hình mới. Rà roát hệ thống pháp luật quốc gia bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống luật có liên quan, phù hợp với tình hình thực tiễn và các cam kết hướng tới ASEAN không ma túy với mục tiêu lấy con người làm trung tâm, có chính sách phù hợp để quan tâm đối tượng đích giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống sau đại dịch Covid-19, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kiểm soát ma túy, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đáp ứng những biến động có thể xảy ra. Quan tâm bố trí nguồn lực cho phòng, chống ma túy. Tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy. Phối hợp giữ vững lập trường chung của các nước ASEAN đối với vấn đề ma túy.

Tại Hội nghị trực tuyến, các quốc gia thành viên đã nhất trí thông qua Nghị quyết AIPACODD 4./.

Hồ Hương-Minh Thành