TỔNG THƯ KÝ, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI VIỆT NAM

02/06/2021

Chiều 02/6, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm việc với Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Vũ Minh Tuấn và một số Vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội cùng các cán bộ lãnh đạo của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc của Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường với Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Thị Hương Giang báo cáo một số nội dung về thực trạng, những thuận lợi và khó khăn của Truyền hình Quốc hội, phương hướng, nhiệm vụ cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền phục vụ Quốc hội.

Theo đó, Truyền hình Quốc hội Việt Nam được các lập là một trong 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia chuyên phục vụ nhiệm vụ chính trị, thuộc đối tượng được Nhà nước đặt hàng sản xuất phát sóng. Hiện Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã và đang sản xuất, phát sóng 24/24 giờ, trong đó tỷ lệ sản xuất, phát sóng các tin bài tuyên truyền về Quốc hội và cử tri đạt trên 80%. Thời gian sản xuất chương trình mới đạt bình quân 4 đến 5 tiếng/ngày, riêng trong Kỳ họp Quốc hội, tỷ lệ này đạt trên 7 tiếng/ngày. 

Bên cạnh nhiệm vụ chính là sản xuất nội dung, phát sóng truyền hình, Truyền hình Quốc hội Việt Nam còn được giao tiếp nhận vận hành hoạt động Cổng thông tin điện tử Quốc hội. Trong quá trình vận hành hoạt động Cổng Thông tin điện tử, luôn đảm bảo đúng tiêu chí, định hướng của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, không để xảy ra sai sót về chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...

Theo Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Hương Giang, để đạt được những kết quả đó chính là nhờ sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Quốc hội, Lãnh đoạ Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, các Ban, Viện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội đã tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ Truyền hình Quốc hội Việt Nam trên mọi phương diện để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đã phát sinh một số vấn đề cần xử lý nhằm đảm sự ổn định, phát triển cho Truyền hình Quốc hội. Cụ thể như về cơ chế phối hợp thông tin tuyên truyền, có ý kiến cho rằng công tác thông tin, phối hợp giữa Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Vụ, cơ quan Văn phòng Quốc hội chưa được triển khai chặt chẽ. Do đó, đề nghị cần xây dựng cơ chế cụ thể nhằm có kế hoạch, thông tin tuyên truyền từ sớm để Truyền hình Quốc hội và Cổng Thông tin điện tử Quốc hội chủ động thực hiện, triển khai.

Cho rằng trang Cổng Thông tin điện tử Quốc hội còn nhiều bất cập về hạ tầng kỹ thuật, về code, một số ý kiến đề nghị vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh, bảo mật của Cổng cần được nâng cấp để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đồng thời cần xây dựng trang Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đa phương tiện để các báo đài có thể truy cập, lấy hình ảnh nhanh chóng, thuận tiện.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam trong, đồng thời cho biết, Truyền hình Quốc hội Việt Nam mới chuyển nguyên trạng về Văn phòng Quốc hội nên còn non trẻ, đề nghị khẩn trương hoàn thiện Đề án cẩn thận, kỹ lưỡng để xác lập cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động và công tác nhân sự, đồng thời hoàn thiện dự thảo để sớm trình Đảng đoàn và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung, thời lượng, chuyên mục, chuyên đề, và phương thức thông tin. Bởi Truyền hình Quốc hội có lợi thế, dư địa để phát huy mạnh mẽ các vấn đề này. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị cần xem xét tổng thể ở các góc độ, trước hết xem xét độc giả của mình là các đối tượng nào, các nhóm đối tượng chịu tác động của chính sách pháp luật là nhóm nào, họ xem gì, quan tâm vấn đề gì, xem vào giờ nào nhằm tính toán các chuyên mục đổi mới làm sao để sáng tạo, hấp dẫn người xem.

Ngoài hoạt động truyền thông như cơ quan báo chí thông thường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Truyền hình Quốc hội cần lựa chọn sự kiện liên quan đến các chức năng chính của Quốc hội như lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đối ngoại, ngoại giao nghị viện. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ví dụ Truyền hình Quốc hội có thể làm chuyên mục bàn tròn trao đổi về các chính sách, các dự án luật, vấn đề người dân quan tâm, mời các chuyên gia am hiểu chuyên sâu về từng lĩnh vực để thảo luận, làm rõ vấn đề.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng Truyền hình Quốc hội có thể nghiên cứu, đi sâu vào các chuyên đề, chuyên mục riêng có, chẻ ra các nội dung, đi sâu vào các vấn đề giám sát, đi đến tận cùng các vấn đề nóng, mang tính thời sự, có nhiều kỳ để người dân, cử tri theo dõi. Đồng thời cần tiếp tục nâng cao chất lượng tin bài theo hướng góc cạnh, sắc bén, ngắn gọn.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Truyền hình Quốc hội cần đưa lên các nền tảng số, quan tâm xây dựng thương hiệu, có thể nghiên cứu sử dụng app Truyền hình Quốc hội trên điện thoại để nhiều người dân, cử tri biết đến. Đồng thời quan tâm đến hình ảnh, trang phục, phong cách để tạo sự thống nhất, hài hòa.

Một nội dung quan trọng khác mà Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh là Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần sớm bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy định nội bộ trong việc quản trị Truyền hình Quốc hội, về vấn đề khen thưởng, kỷ luật, chế độ lương thưởng, vấn đề liên quan đến cơ quan thường trú đại diện các khu vực…

Về vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị cần có chính sách thu hút đội ngũ cán bộ giỏi, công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Truyền hình Quốc hội.

Về cơ sở vật chất,Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng cần cố gắng từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, liên tục cập nhật để đáp ứng yêu cầu là việc làm thường xuyên, qua đó đáp ứng tiêu chí của Quốc hội điện tử.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp thông tin tuyên truyền giữa Truyền hình Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan đơn vị của Văn phòng Quốc hội trong quá trình xây dựng pháp luật, phổ biến thông tin đến người dân, cử tri cả nước.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí với các kiến nghị của Truyền hình Quốc hội Việt Nam như sớm phê duyệt chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy theo Đề án sắp xếp kiện toàn Bộ máy tổ chức Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc đề nghị Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sớm làm Đề án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó có phương án đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại, hấp dẫn, thuận tiện cho người sử dụng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường mong muốn thời gian tới Truyền hình Quốc hội Việt Nam cố gắng phát huy nhiều hơn nữa về lợi thế, vị thế, uy tín, càng đi sau càng phải tốt hơn, đẩy mạnh phát triển app ứng dụng trên điện thoại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thông tin, truyền thông của Quốc hội Việt Nam./.

Bích Ngọc - Minh Hùng