Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại buổi làm việc
Để đảm bảo cho việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) được thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị nội dung bảo đảm chất lượng, Chính phủ đề nghị điều chỉnh từ việc bổ sung dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sang Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, lùi 1 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 63. Đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để kịp thời thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau 10 năm thực thi, Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 tháng 10/2022 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023.
Thẩm tra tờ trình đề nghị của Chính phủ, thường trực Uỷ ban Pháp luật nhất trí với đề nghị lùi 1 kỳ họp thời gian trình dự án luật Dầu khí sửa đổi để Chính phủ có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị nội dung luật đảm bảo chất lượng. Đối với dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, Thường trực uỷ ban pháp luật tán thành với sự cần thiết xây dựng luật để giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong tình hình hiện nay, nhất là trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, thương mại điện tử, phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; khắc phục những hạn chế, bất cập nảy sinh qua 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số nội dung trong tờ trình và Báo cáo đánh giá tác động còn chung chung, nhất là vấn đề về nguồn lực tài chính và nguồn lực con người, chưa đánh giá cụ thể và chưa đưa ra về mức chi phí cụ thể dự kiến mà Nhà nước sẽ phải bỏ ra để thực hiện một số quy định mới, ví dụ quy định về Tổng đài, Cơ sở dữ liệu, Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng; Chương trình quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng...
Toàn cảnh buổi làm việc
Bên cạnh đó, cần rà soát, bảo đảm tính dự báo của các chính sách, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người tiêu dùng. Thường trực uỷ ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo, trên cơ sở ý kiến thẩm tra, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tài liệu, báo cáo, đối chiếu kỹ các quy định của các luật có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cho ý kiến tại phiên họp, đa số các đại biểu nhất trí với đề xuất xin lùi 1 kỳ họp trình dự án Luật dầu khí sửa đổi của Chính phủ, song nhấn mạnh, đây là dự án luật quan trọng, những vấn đề đặt ra sửa đổi là rất lớn, không những về mặt kinh tế mà còn liên quan tới quốc phòng an ninh, do đó đề nghị Chính phủ cam kết, đảm bảo đúng thời hạn trình luật sau khi đã xin lùi.
Đối với việc bổ sung dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, các đại biểu kỳ vọng, đây sẽ là hành lang pháp lý, là mấu chốt quan trọng để giải quyết những bất cập sau 10 năm thi hành luật. Các ý kiến cũng chỉ ra, những chính sách cơ bản được đề xuất trong dự thảo luật hiện nay còn chung chung; sự phối hợp giữa các bộ ngành trong quá trình làm luật bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi đang thể hiện sự lỏng lẻo, chưa được đầu tư bài bản kỹ lưỡng, đây là điều mà Chính phủ phải thay đổi.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu ý kiến
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị, ban soạn thảo phải khắc phục việc làm luật “ngược” như hiện nay khi hai báo cáo quan trọng là báo cáo đánh giá tác động và báo cáo tổng kết thi hành luật lại được hoàn thiện sau cùng trong quy trình xây dựng luật.
Nhìn vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, các đại biểu cho rằng, đang có sự mất cân đối rất lớn về việc làm luật giữa kỳ họp thứ 3 và kỳ họp thứ 4, khi kỳ họp thứ 3 sẽ trình Quốc hội thông qua 6 dự án luật, cho ý kiến 3 dự án luật trong khi kỳ họp thứ 4 chỉ thông qua 3 dự án luật cho ý kiến 1 dự án luật. Đây là vấn đề mà Chính phủ cần phải rút kinh nghiệm, và cần phải có cái nhìn tổng thể trong xây dựng chương trình luật, pháp lệnh, tránh lặp lại câu chuyện trình ra rồi lại xin lùi các dự án luật như hiện nay./.