ĐỀ XUẤT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025

16/06/2021

Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết kế Chương trình với với 11 nội dung thành phần. Trong đó, các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu, nội dung thực hiện phù hợp với định hướng chỉ đạo của Trung ương, đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương...

Hội đồng Dân tộc vừa tổ chức Hội nghị thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cùng một số thành viên Hội đồng Dân tộc và các chuyên gia.


Toàn cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn (NTM) mới giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nêu rõ: Chương trình phấn đấu có ít nhất 80% tổng số xã của cả nước đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Ở cấp huyện, phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh của cả nước hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Ở cấp tỉnh, phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Ở cấp thôn, phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do cấp tỉnh quy định.

Đối tượng thụ hưởng của Chương trình

Đối tượng thụ hưởng của Chương trình là người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Chương trình được thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước, gồm: tất cả các xã, tất cả các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, địa bàn đầu tư của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là khoảng 1.551 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (các xã khu vực III đã được phê duyệt tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ). 

Địa bàn đầu tư của Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025: dự kiến khoảng 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khoảng 70 huyện nghèo (Hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang rà soát, tổng hợp để hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Địa bàn đầu tư của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025: khoảng 6.516 xã (bao gồm: 1.359 xã đạt dưới 18 tiêu chí; 5.157 xã đã đạt chuẩn NTM) và 594 đơn vị cấp huyện của cả nước (bao gồm: 192 đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 402 đơn vị cấp huyện còn lại chưa được công nhận đạt chuẩn NTM), không thuộc địa bàn đầu tư của 02 Chương trình MTQG nêu trên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý tổng thể về kết quả thực hiện xây dựng NTM của tất cả các địa phương trên cả nước; đồng thời phối hợp với Uỷ ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương được giao để đảm bảo tất cả các xã, huyện trên cả nước hoàn thành được các mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt và đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, đối tượng hỗ trợ của 03 Chương trình MTQG trên cùng địa bàn. Đối tượng thực hiện Chương trình là hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và toàn xã hội trong đó chủ thể là người dân trên địa bàn nông thôn.

Các nội dung thực hiện của Chương trình

Chương trình giai đoạn 2021-2025, được thiết kế với 11 nội dung thành phần. Trong đó, chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trực tiếp thực hiện trên địa bàn của tất cả các xã, huyện trên cả nước, đối với các nội dung:

Nội dung 01: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá.

Nội dung 03: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất; triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn theo hướng tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; phát triển dịch vụ, du lịch nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam.

Nội dung 06: Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn.

Nội dung 07: Nâng cao chất lượng môi trường, tăng cường hệ thống cấp nước sạch nông thôn; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam.

Nội dung 08: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân.   

Nội dung 09: Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM.

Nội dung 10: Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn.

Nội dung 11: Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; Nâng cao năng lực xây dựng NTM; Truyền thông về xây dựng NTM.

Chương trình MTQG xây dựng NTM thực hiện trên địa bàn 6.516 xã và 594 đơn vị cấp huyện. Hai Chương trình Mục tiêu Quốc gia còn lại thực hiện trên địa bàn 1.551 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; 70 huyện nghèo, các nội dung:

Nội dung 02: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.

Nội dung 05: Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.

Hai Chương trình Mục tiêu Quốc gia còn lại thực hiện nội dung số 04 (Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang và hải đảo) trên địa bàn 1.551 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; 70 huyện nghèo.

Triển khai một số đề án, chương trình

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Việc triển khai một số đề án, chương trình chuyên đề, nhiệm vụ thuộc Chương trình NTM trên địa bàn tất cả các xã, huyện của cả nước trong giai đoạn 2021-2025 được giao nhiệm vụ rõ ràng.

Thứ nhất: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP trong giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương (nguyên liệu, văn hoá, tri thức bản địa…) theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo hệ sinh thái bền vững. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, có lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.

Thứ hai: Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, góp phần nghiên cứu, giải quyết các vấn đề từ thực tiễn đặt ra trong xây dựng NTM ở cơ sở; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản góp phần gia tăng giá trị và phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nghiệp, nông thôn, nhất là  vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba: Đề án về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025: thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch nông thôn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ tư: Đề án môi trường và cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025, cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn: Góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh, môi trường nông thôn (thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, chất thải sinh hoạt…), nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao ý thức của người dân trong giữ gìn, bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, hướng tới phục vụ phát triển kinh tế du lịch nông thôn.

Thứ năm: Đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị, tạo điều kiện để người dân nông thôn được hưởng chất lượng các dịch vụ như đô thị (y tế, giáo dục, văn hoá, an ninh trật tự), phát triển kinh tế số, xã hội số ở nông thôn.

Thứ sáu: Thí điểm một số cơ chế, chính sách mới theo chỉ đạo, đặt hàng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh khác trong quá trình thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương trong giai đoạn 2021-2025./.

Bích Lan