HỘI NGHỊ AIPA CAUCUS 12: VIỆT NAM ĐỀ XUẤT KHUYẾN NGHỊ TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG PHỤC HỒI CỦA CHUỖI CUNG ỨNG VÀ ĐẨY MẠNH KẾT NỐI THƯƠNG MẠI

16/06/2021

Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 12 (AIPA Caucus 12) diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tham dự Hội nghị, Việt Nam đã đề xuất khuyến nghị nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và đẩy mạnh kết nối thương mại.

 

Hội nghị AIPA Caucus 12 diễn ra theo hình thức trực tuyến

Đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Trưởng đoàn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng.

Hội nghị AIPA Caucus 12 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã bước đầu được kiểm soát tại Châu Âu, Bắc Mỹ và Bắc Á, tuy nhiên, tại Đông Nam Á vẫn đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và an sinh xã hội các quốc gia trong khu vực. Hội nghị lần này tổ chức theo hình thức trực tuyến giúp duy trì hoạt động của AIPA trong bối cảnh đại dịch, nhằm rà soát, đánh giá việc thực hiện những cam kết thể hiện trong các nghị quyết đã được thông qua tại Đại hội đồng AIPA 41, đồng thời thảo luận về chủ đề sát với tình hình thực tế và là mối quan tâm chung của các nghị viện thành viên.

Chủ đề thảo luận của Hội nghị AIPA Caucus 12 là về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Đại hội đồng AIPA 41 và Tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và đẩy mạnh kết nối thương mại.

Báo cáo quốc gia liên quan đến chủ đề “Tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và đẩy mạnh kết nối thương mại”, Đoàn ĐBQH Việt Nam cho biết, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào cuối năm 2015, đến năm 2018 ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tổng GDP khoảng 3 nghìn tỷ USD. Trong những năm qua ASEAN đã đạt được nhiều kết quả trong việc xây dựng AEC, ASEAN từng bước trở thành một thị trường chung, hàng hóa, dịch vụ, vốn, đầu tư và lao động có tay nghề được tự do lưu chuyển. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập kinh tế của ASEAN đang diễn ra trong bối cảnh có những điểm khác biệt so với năm 2015 khi Kế hoạch chi tiết AEC được thông qua, đó là tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số, yêu cầu cấp thiết của tăng trưởng bền vững và bao trùm trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, khó lường.

Trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, AIPA nói chung và các Nghị viện thành viên AIPA nói riêng có vai trò quan trọng, đóng góp thiết thực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hỗ trợ và thúc đẩy Chính phủ thực hiện các chính sách và nhiều chương trình triển khai thực hiện các cam kết xây dựng Cộng đồng trên cả 3 trụ cột.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, ASEAN cần chú trọng hơn nữa việc phục hồi các chuỗi cung ứng và đẩy mạnh kết nối thương mại song song với việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ để cùng nhau kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhất là lây nhiễm xuyên biên giới bệnh dịch, đẩy mạnh việc mua và tiêm phòng vắc-xin song song với việc tăng cường hợp tác nghiên cứu, phát triển vắc-xin.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị

Nhằm góp phần tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và đẩy mạnh kết nối thương mại, Đoàn ĐBQH Việt Nam đề xuất một số khuyến nghị cụ thể đối với các Nghị viện thành viên AIPA như sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn.

Thứ hai, thúc đẩy việc phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do; tăng cường giám sát nghị viện đối với việc thực hiện các cam kết về đầu tư và thương mại trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, coi đây là công cụ chủ yếu để thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác.

Thứ ba, thiết lập các phương thức mới trong thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và xúc tiến thị trường thông qua các hình thức trực tuyến như tổ chức các buổi điện đàm trực tiếp giữa các Bộ trưởng Kinh tế để trao đổi về tình hình hợp tác thương mại, qua đó, tháo gỡ khó khăn về mở cửa thị trường; triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuỗi cung ứng hàng hóa.

Thứ tư, duy trì các cam kết mở cửa thị trường, tránh áp dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan không cần thiết để tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của chuỗi cung ứng khu vực. Tích cực khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định RCEP, CPTPP.

Thứ năm, tăng cường phát triển thị trường khu vực, xây dựng các chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho thị trường khu vực. Phát triển hệ thống logistics hỗ trợ chuỗi cung ứng, gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới.

Thứ sáu, tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa qua các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Việt Nam tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ trong AIPA, lấy lợi ích của người dân là trung tâm hành động trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc gia và pháp luật quốc tế, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi thách thức, hướng đến tương lai ngày càng tươi sáng./.

Hồ Hương