Lạm dụng, sử dụng thuốc BVTV không đúng cách gây nguy hiểm cho con người và môi trường
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 92/BDN, ngày 06/4/2021. Cử tri tỉnh Hà đề nghị hạn chế, tiến tới cấm hẳn dùng hóa chất độc hại gây nguy hiểm cho người, vật nuôi, cây trồng.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn, khống chế sự phát sinh, phát triển của các đối tượng gây hại, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Để quản lý chặt chẽ việc buôn bán và sử dụng các thuốc BVTV, trong thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai một số nội dung, như sau:
. Rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý thuốc BVTV, nhằm siết chặt hơn nữa việc đăng ký, sản xuất, sử dụng thuốc BVTV phù hợp với các quy định hiện hành mà vẫn đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đánh giá, lựa chọn các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc, có hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến con người, vật nuôi và môi trường để đưa vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.
. Từ năm 2017 đến nay đã rà soát và loại ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam 14 hoạt chất thuốc BVTV, 1.706 tên thương phẩm và 1.265 hàm lượng hoạt chất thuốc BVTV. Đây là các loại thuốc BVTV có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái và môi trường.
. Các thuốc BVTV cấm sử dụng hoặc bị loại bỏ khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam (không có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam) đều không được phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam (Quy định tại Khoản 6, Điều 13 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật).
. Phối hợp với các địa phương, các Hiệp hội tổ chức tuyên truyền, tập huấn việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả (năm 2020, đã mở hơn 4.228 lớp tập huấn với hơn 137.161 lượt hộ nông dân tham gia); chỉ đạo các địa phương triển khai nhân rộng các mô hình phòng trừ dịch hại theo hướng thân thiện với môi trường như: chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, chương 2 trình 3 giảm 3 tăng, chương trình 1 phải 5 giảm, mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI)... để hạn chế sử dụng hóa chất BVTV; tập trung vào các biện pháp phòng trừ thủ công, sử dụng các loại bẫy, bả, bẫy pheromone….; đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các biện pháp sinh học. Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc trừ cỏ, đặc biệt là sử dụng thuốc trừ cỏ với mục đích phi nông nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc buôn bán, sử dụng thuốc trừ cỏ cũng như các thuốc BVTV khác.
. Chỉ đạo hệ thống thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật từ Trung ương đến địa phương thực hiện một số giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường thanh kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc buôn bán và sử dụng thuốc BVTV. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục rà soát để loại bỏ các thuốc BVTV có bằng chứng khoa học về nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng; tăng tỷ lệ thuốc sinh học lên 30%; khuyến khích sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc thế hệ mới sử dụng an toàn, hiệu quả./.