ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ

09/07/2021

Chương trình Hành động của Đảng Đoàn Quốc hội nhấn mạnh: Đẩy nhanh việc xây dựng Quốc hội điện tử; Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đồng bộ xây dựng Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử,…

Những bước đi đầu tiên

Điều hành họp Quốc hội bằng công nghệ và trí tuệ nhân tạo là xu hướng của xã hội hiện đại. Ở Việt Nam, nền móng cho Quốc hội điện tử đã được nhen nhóm từ năm 2019.

Tại Kỳ họp thứ 7, nhiệm kỳ XIV, Quốc hội thí điểm tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, việc điều hành của chủ tọa được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, thời điểm này, mỗi đại biểu được cung cấp thiết bị điện tử có cài đặt các phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể tham khảo tài liệu của kỳ họp, thậm chí có thể chuyển từ giọng nói thành văn bản, thuận tiện hơn trong việc tra cứu luật, tìm kiếm thông tin...

Các máy tính bảng này được cài đặt mạng nội bộ để phục vụ hoạt động tra cứu tài liệu

Đến năm 2020, với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, chính giai đoạn khó khăn này Quốc hội khóa XIV đã ghi dấu đổi mới đậm nét, mở ra giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ bằng việc họp trực tuyến.

Minh chứng cho thấy, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục 2 tuần đầu tiên (20-29/5). Từ Nhà Quốc hội, tín hiệu được kết nối đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cả nước.

Trực tiếp dự họp tại điểm cầu của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, đại biểu Lê Công Nhường cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội tiến hành họp trực tuyến và Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những Nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức này. Kết quả này cho thấy sự phản ánh kịp thời của Quốc hội trước diễn biến khó lường của đại dịch đồng thời đặt nền móng ban đầu cho những đổi mới trong phương thức hoạt động của Quốc hội.

Cũng tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV trong phiên khai mạc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh "Việc đổi mới cách thức kỳ họp thể hiện Quốc hội luôn thay đổi, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để theo kịp tình hình kinh tế, xã hội vì lợi ích nhân dân".

Nối tiếp thành quả Kỳ họp thứ 9 đồng thời thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiếp tục kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử trong thời gian tới.

 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được diễn ra dưới hình thức trực tuyến

Đánh giá về việc thực hiện chuyển đổi số nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, Quốc hội đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Quốc hội, như tổ chức triển khai họp trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát nên đã bảo đảm phòng, chống dịch nhưng vẫn duy trì được hoạt động và chất lượng của các phiên họp. Cùng với đó là cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ các đại biểu Quốc hội thông qua máy tính bảng cá nhân thay vì hình thức tài liệu giấy truyền thống, giảm tải lượng lớn các tài liệu in ấn, tiến tới một “Quốc hội không giấy tờ”...

Đồng tình với những kết quả đạt được, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, cũng cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh Quốc hội điện tử và tiến tới Quốc hội số. Có như vậy, Quốc hội mới thực sự cải cách và thực hiện chức năng của Quốc hội một cách nhanh chóng, khoa học, tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao nhất.

Đẩy mạnh xây dựng Quốc hội điện tử

Xây dựng Quốc hội điện tử là yêu cầu tất yếu của Quốc hội ở các nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Việc xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử trên phạm vi toàn cầu đã cho thấy có những bài học rất thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào các quyết định của Quốc hội. Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng cần thiết để xây dựng, thực hiện Quốc hội điện tử, được đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao, đặc biệt trong thời gian gần đây.

Trong bối cảnh mới, việc xây dựng, thực hiện Quốc hội điện tử càng trở nên cấp bách. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết của Đảng đã xác định định hướng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số.

Chương trình Hành động của Đảng Đoàn Quốc hội cũng nhấn mạnh: Đẩy nhanh việc xây dựng Quốc hội điện tử. Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đồng bộ xây dựng Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn với chất lượng ngày càng cao; tăng cường công khai, minh bạch, tạo thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về Quốc hội, mở rộng hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đối với các hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin vào tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, qua đó tăng tính kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu, tạo điều kiện để các thành viên của Hội đồng, Ủy ban, nhất là các thành viên kiêm nhiệm có thể tham gia một cách chủ động và liên tục vào các hoạt động của Hội đồng, Ủy ban.

Thực hiện thành công nhiệm vụ này của Đảng Đoàn Quốc hội được đưa ra tại Chương trình Hành động, góp phần tích cực vào việc đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp trong việc ứng dụng các chương trình hỗ trợ hoạt động soạn thảo văn bản luật, pháp lệnh; giúp cho việc chia sẻ thông tin, kiến thức một cách rộng rãi và giúp cho việc giải quyết các vấn đề thảo luận, điều hành thảo luận tại Quốc hội một cách thuận tiện hơn; góp phần tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với các cử tri./.

Lê Anh