ĐỒNG NAI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐÚNG QUY TRÌNH, QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

15/07/2021

Tỉnh Đồng Nai đã tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện, xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản và tổ chức triển khai thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy trình và đúng tiến độ theo quy định của pháp luật.


Sáng ngày 15/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cùng tham dự Hội nghị ở điểm cầu Nhà Quốc hội có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Hội đồng Bầu cử quốc gia, Văn phòng Quốc hội; các đồng chí đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành…và đại diện lãnh đạo tại các điểm cầu trực tuyến ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Sau khi nghe đại diện Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tổng kết công tác bầu cử và đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử, tìm ra nguyên nhân để đúc kết thành những kinh nghiệm quý và bài học cho các kỳ bầu cử tiếp theo, các đại biểu tham dự Hội nghị đã nghe tham luận của các tỉnh, thành phố về công tác bầu cử.


Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tú- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đồng Nai đã có chia sẻ những điểm tích cực trong quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bầu cử liên quan đến việc lập danh sách cử tri, xác định đơn vị bầu cử và thành lập các khu vực bỏ phiếu cũng như những hạn chế, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, diễn ra trong bối cảnh cả nước phải thực hiện 03 nhiệm vụ song song: Tập trung ưu tiên về thời gian, nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; tập trung cao độ cho công tác bầu cử và tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế và đảm bảo các hoạt động của hệ thống chính trị.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Hội đồng bầu cử Quốc gia, Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương, tỉnh Đồng Nai đã tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện, xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản và tổ chức triển khai thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy trình và đúng tiến độ theo quy định của pháp luật. Kết quả tỉnh Đồng Nai đã thành lập 1.283 đơn vị bầu cử, 1.492 Tổ bầu cử với tổng số cử tri trong toàn tỉnh là 2.284.529 cử tri, số cử tri đã đi bầu đạt tỷ lệ 99,77%; đã bầu được 12/20 đại biểu Quốc hội; 81/135 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; 387/630 đại biểu HĐND cấp huyện và 4.468/7.464  đại biểu HĐND cấp xã; số lượng đại biểu trúng cử phù hợp theo cơ cấu, tỷ lệ quy định.

Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thanh Tú, cho biết tỉnh Đồng Nai là một tỉnh ở khu vực kinh tế trọng điểm với tổng dân số khoảng 3,2 triệu người sinh sống tại 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 170 đơn vị hành chính cấp xã; toàn tỉnh hiện có 32 khu công nghiệp nên số lượng người dân nhập cư là rất lớn. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với số lượng khu công nghiệp và người dân nhập cư đông, công tác rà soát lập danh sách cử tri, xác định đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và chỉ đạo việc lập, điều chỉnh, niêm yết, giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri như: yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra rà soát báo cáo tình hình biến động của cử tri hàng tuần, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, Tổ trưởng tổ dân phố (khu phố) phối hợp với Công an xã, phường, thị trấn thống kê điều tra nhân khẩu trên địa bàn theo từng khu vực bỏ phiếu; xác định cử tri thường trú, tạm trú để đưa vào danh sách cử tri cho phù hợp, trong đó, chú ý đến các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp có nhiều cử tri tạm trú thuộc đối tượng bầu ba cấp; cử tri đang cư trú, tạm trú, thường trú tại các cơ sở tôn giáo (đền, chùa, miếu...); công bố niêm yết công khai danh sách cử tri tại UBND cấp xã và khu vực bỏ phiếu để cử tri rà soát kịp thời điều chỉnh bổ sung theo quy định.


Ông Nguyễn Thanh Tú - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đồng Nai.

Tỉnh Đồng Nai chỉ đạo cập nhật số lượng cử tri trên hệ thống phần mềm bầu cử, đảm bảo việc cập nhật, theo dõi số liệu được tiến hành liên tục kể từ thời điểm trước 10 ngày đến ngày diễn ra cuộc bầu cử. Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành các văn bản đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ, tạo điều kiện, sắp xếp thời gian làm việc để cử tri là người lao động tại doanh nghiệp thực hiện đầy đủ quyền bầu cử.

Căn cứ vào quy mô dân số tại các địa phương, tỉnh Đồng Nai đã thành lập 04 đơn vị bầu cử của đại biểu Quốc hội, 27 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 95 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 1.157 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Việc phê chuẩn khu vực bỏ phiếu, phân chia khu vực bỏ phiếu theo từng cụm dân cư, phù hợp với quy mô dân số, ranh giới giữa các tổ dân cư, ấp, khu phố trên địa bàn. Kết quả có 1.492 tổ bầu cử được thành lập và được UBND cấp huyện phê chuẩn đảm bảo thời theo Luật quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên thì trong quá trình thực hiện tỉnh Đồng Nai cũng gặp một số khó khăn, cụ thể. Theo đó, cử tri đã tạm trú đến 12 tháng làm việc tại các Khu công nghiệp thường xuyên biến động, không ổn định từ thời điểm triển khai lập danh sách cử tri, niêm yết cho đến ngày bầu cử 23/5/2021.

Cử tri là người di dân tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống và không có giấy tờ để chứng minh về quốc tịch tuy không được lập danh sách cử tri nhưng có tâm lý mong muốn được bỏ phiếu tại nơi mình đang sinh sống. Cử tri là đối tượng cách ly tập trung ở các tỉnh khác đến tỉnh Đồng Nai có nguyện vọng được bầu cử (công tác triển khai, phối hợp, điều trị trong khu cách ly...) đã làm tăng đột biến số lượng cử tri trong một thời gian ngắn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thanh Tú, với những khó khăn nêu trên căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tỉnh Đồng Nai đề xuất giải pháp khắc phục. Theo đó, cần coi trọng và phát huy tốt công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử, qua đó, rà soát, cập nhật kịp thời biến động cử tri, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Các địa phương phải chủ động trong việc rà soát danh sách cử tri, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, Tổ trưởng tổ dân phố (khu phố), tổ nhân dân phối hợp với Công an xã, phường, thị trấn bám sát, nắm chắc địa bàn, thống kê nhân khẩu theo từng khu vực bỏ phiếu, để lập danh sách cử tri theo quy định gắn với việc kịp thời xử lý cập nhật đối với cử tri đi bỏ phiếu nơi khác trên hệ thống phần mềm.

Ủy ban bầu cử tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh thường xuyên kiểm tra công tác bầu cử tại các địa phương để nắm bắt tình hình triển khai công tác bầu cử, đặc biệt là trong công tác lập danh sách cử tri.

Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thanh Tú cũng cho biết, đến nay, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã diễn ra thành công tốt đẹp, trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện tỉnh Đồng Nai rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu cụ thể.

Thứ nhất, phải tạo sự tin tưởng, đồng lòng và ý thức trách nhiệm của nhân dân, gắn sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị vào công tác bầu cử là yếu tố quyết định bảo đảm cho thành công của cuộc bầu cử, trong đó đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia và của Tỉnh ủy trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ hai, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương phải được tăng cường chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất, đặc biệt trong công tác thông tin tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự và y tế.

Thứ ba, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của các tổ bầu cử, các cá nhân liên quan phải được tăng cường gắn với cơ chế khuyến khích nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ cho nhân sự thực hiện nhiệm vụ rà soát, cập nhật danh sách cử tri.

Thứ tư, công tác theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, các thành viên Ủy ban bầu cử các cấp phải thực hiện thường xuyên nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý đảm bảo lộ trình thời gian theo quy định.

Thứ năm, phải thực hiện tốt việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác cập nhật thông tin cử tri nói riêng và kết quả bầu cử nói chung./.

Bích Lan

Các bài viết khác