TỈNH HẬU GIANG THỰC HIỆN TỐT CÁC QUY ĐỊNH VỀ THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

15/07/2021

Thông qua việc thực hiện các quy định của pháp luật về thông tin tuyên truyền, vận động bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ở tỉnh Hậu Giang cho thấy, người dân đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử; tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.


Sáng ngày 15/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cùng tham dự Hội nghị ở điểm cầu Nhà Quốc hội có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Hội đồng Bầu cử quốc gia, Văn phòng Quốc hội; các đồng chí đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành…và đại diện lãnh đạo tại các điểm cầu trực tuyến ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Sau khi nghe đại diện Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tổng kết công tác bầu cử và đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử, tìm ra nguyên nhân để đúc kết thành những kinh nghiệm quý và bài học cho các kỳ bầu cử tiếp theo, các đại biểu tham dự Hội nghị đã nghe tham luận của các tỉnh, thành phố về công tác bầu cử.


Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 

Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến đã đề cập một số kinh nghiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thông tin tuyên truyền, vận động bầu cử - những điểm tích cực, các hạn chế, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục. Tỉnh Hậu Giang được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/2004, đến nay đã hơn 17 năm; với diện tích 1.622,23 km2, dân số 728.592 người. Toàn tỉnh có 08 đơn vị hành chính cấp huyện, 75 đơn vị hành chính cấp xã, với 525 ấp, khu vực.

Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ra Quyết định 276-QĐ/TU ngày 21/01/2021 thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử. UBND tỉnh ra Quyết định 71/QĐ-UBND ngày 13/01/2021 thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh. Ủy ban bầu cử tỉnh đã ra quyết định thành lập 5 Tiểu ban (Thông tin - Tuyên truyền, Giải quyết khiếu nại, tố cáo, An ninh trật tự, an toàn xã hội, Phòng chống dịch Covid-19 và bảo vệ chăm sóc sức khỏe) và Tổ chuyên viên giúp việc để thực hiện nhiệm vụ được giao. Riêng cấp huyện đã thành lập 08 ủy ban bầu cử và cấp xã có 75 ủy ban bầu cử. Toàn tỉnh có 02 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; 12 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 73 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, 502 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã và 880 tổ bầu cử.

Đến ngày 22/5/2021, số cử tri Hậu Giang được niêm yết là 547.877 cử tri. Trong ngày bầu cử 23/5/2021, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có mưa, nhưng cử tri Hậu Giang rất hăng hái đi bầu đông, đi bầu sớm. Đến 19 giờ cùng ngày, cử tri đi bầu đạt 99,99% (Quốc hội, cấp tỉnh: 58 cử tri không đi bầu, cấp huyện: 45 cử tri, cấp xã: 20 cử tri). Tỷ lệ phiếu bầu không hợp lệ chiếm 0,04% (ở 04 cấp có 940 phiếu không hợp lệ). Đây là cuộc bầu cử thành công rất tốt đẹp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến, qua tổng kết công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh vào ngày 18/6/2021, Ủy ban bầu cử tỉnh đã đánh giá có được sự thành công đó là nhờ rất nhiều nguyên nhân, nhưng nổi bật là công tác thông tin tuyên truyền, công tác tổ chức vận động bầu cử của Ủy ban bầu cử từ tỉnh đến cơ sở. Ngay từ đầu, Ủy ban bầu cử tỉnh xác định công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định đến thành công, chất lượng của cuộc bầu cử. Chủ thể chính của cuộc bầu cử là người dân, là cử tri. Người dân hiểu đúng, hiểu đủ mới thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử; người dân tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Vì thế, Hậu Giang đã tập trung tổ chức thực hiện tốt 03 vòng Hội nghị hiệp thương đối với ứng cử viên mỗi cấp, đã tổ chức 1.224 cuộc Hội nghị tiếp xúc cử tri, với 83.087 lượt cử tri dự, ghi nhận 4.769 lượt ý kiến gửi gấm tâm tư, nguyện vọng đến ứng cử viên 4 cấp. Đối với đại biểu Quốc hội khóa XV, sau 3 vòng hiệp thương từ 15 đại biểu xuống còn 8 đại biểu cùng với 02 đại biểu do Trung ương giới thiệu, bầu chọn 06 đại biểu.

Đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh, sau 3 vòng hiệp thương từ 103 đại biểu xuống còn 81 đại biểu, bầu chọn 50 đại biểu. Trên cơ sở đó, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã thu Chương trình hành động của 91 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh để phát sóng, giới thiệu rộng rãi đến cử tri. Đối với đại biểu HĐND cấp huyện, sau 3 vòng hiệp thương từ 521 đại biểu xuống còn 408 đại biểu, bầu chọn 245 đại biểu. Đối với đại biểu HĐND cấp xã, sau 3 vòng hiệp thương từ 3.959 đại biểu xuống còn 3.188 đại biểu, bầu chọn 1.921 đại biểu.

Tháng 02/2021, Ủy ban bầu cử tỉnh thành lập Tiểu ban thông tin, tuyên truyền. Tiểu ban đã quán triệt và triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 -026. Tiểu ban thông tin, tuyên truyền đã ban hành 20 văn bản các loại, phân công nhiệm vụ, phát động thi đua, tổ chức kiểm tra công tác thông tin, tuyên truyền bầu cử ở các ngành, địa phương, đồng thời biên soạn, phát hành 50.000 quyển tài liệu hỏi - đáp, phục vụ tuyên truyền bầu cử.

Trên cơ sở đó, các Sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền bầu cử ở hệ thống ngành, địa phương, đơn vị mình bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả. Các đơn vị, địa phương đã có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, góp phần cho sự thành công của cuộc bầu cử.

Nhờ công tác quán triệt, triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc kịp thời, thường xuyên nên trong cuộc bầu cử vừa qua, công tác tuyên truyền đã được cả hệ thống chính trị và người dân tích cực tham gia. Lần đầu tiên, từ trước đến nay Hậu Giang đã khai thác triệt để các công cụ, đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền: Từ tuyên truyền theo chiều rộng đến tuyên truyền theo chiều sâu; từ tuyên truyền trực quan đến các hình thức, phương thức tuyên truyền truyền thống và hiện đại như: Pano, apphich, bănggol, khẩu hiệu, tờ bướm, tờ rơi, tờ thông tin, cờ - hoa; phát thanh - truyền hình, truyền thanh cố định - lưu động; hạ tầng Internet; mạng xã hội; tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ các thầy cô giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên, đoàn viên, hội viên, thành viên Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp…


Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang.

Qua quá trình thực hiện, nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm hay, nhiều đổi mới - sáng tạo nhưng vẫn bám sát nội dung tuyên truyền của Trung ương, của tỉnh. Theo thống kê, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 100 mô hình trong công tác tuyên truyền. Có những mô hình phát huy được tác dụng tích cực như: Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Hậu Giang mở 82 tiết mục “Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”, sản xuất 2 tập phim tài liệu, 4 cầu truyền hình, 17 cầu phát thanh; mở chuyên mục hỏi - đáp trên sóng phát thanh… Báo Hậu Giang mở cao điểm tuyên truyền trên báo in và báo điện tử. Các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ 780.922 nhắn tin đến thuê bao di động, với nội dung: “Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”. Các địa phương, các ngành đã thực hiện các mô hình “Nhà nhà đều biết, người người đều hiểu”, “Đội xe thanh niên”, “3 biết, 3 hiểu”, “5 nhớ”, “3 cùng”, “Đưa rước cử tri”, “5 trách nhiệm, 5 nhớ” ,“3 trong 1”... Đặc biệt, tỉnh đã phát động tuyên truyền song ngữ trong đồng bào Khmer, treo khẩu hiệu song ngữ tại các chùa Khmer; vận động nữ mặc áo dài, áo bà ba đi bầu cử…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến đánh giá: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo, Ủy ban bầu cử tỉnh, công tác thông tin tuyên truyền được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh, nhờ đó cuộc bầu cử ngày 23/5 diễn ra với khí thế tưng bừng, thật sự là ngày hội của toàn dân.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công rất tốt đẹp trên phạm vi cả nước nói chung và tại tỉnh Hậu Giang nói riêng. Có được thành công đó chính nhờ cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp luôn đoàn kết, thống nhất, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao trong công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, chú trọng công tác phân công trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát cơ sở, các điểm bỏ phiếu, qua đó chỉ đạo kịp thời, giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của cơ sở. Sự phối hợp của các cấp, các ngành nhịp nhàng, chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cán bộ phụ trách bầu cử tích cực, được tuyển chọn, sàng lọc, am hiểu về công tác bầu cử, có trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đa dạng về hình thức tuyên truyền, có nhiều cách làm hay, mới, sáng tạo, phù hợp với đối tượng và điều kiện thực tế, gắn với phong trào thi đua tại địa phương, đơn vị, thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ đó đem lại hiệu quả tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi trước, trong và sau ngày bầu cử. Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh rất đồng tình hưởng ứng và ủng hộ đối với cuộc bầu cử. 50% số tổ bầu cử trên địa bàn được tổ chức tại nhà dân. Tùy theo điều kiện của mình, nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và cả người dân đã đóng góp công sức, trí tuệ và cả vật chất, từ đó tạo nên động lực, khí thế mới để tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những hạn chế cần phải trao đổi, rút kinh nghiệm. Đó là một số nơi công tác tuyên truyền triển khai còn chậm, chưa chủ động về kinh phí, thiếu quan tâm trong công tác kiểm tra. Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan một số nơi, một số thời điểm chưa đạt yêu cầu; trong đó có trung tâm hành chính một số đơn vị cấp xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tuyến giao thông, khu vực bỏ phiếu. Công tác tuyên truyền chiều sâu ở một số mặt còn hạn chế, thiếu đột phá, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Từ những kết quả đạt được và những hạn chế đã nêu, Hậu Giang rút ra một số kinh nghiệm.

Thứ nhất: Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là yếu tố quyết định cho mọi thành công.

Thứ hai: Cần kết hợp tuyên truyền cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chiều rộng là quan trọng, chiều sâu là then chốt, quyết định; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, binh chủng tuyên truyền; hình thức tuyên truyền phải phong phú, sinh động, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, đơn vị; thực chất, hiệu quả, không phô trương, hình thức.

Thứ ba: Từng cấp, từng ngành phải chủ động về kế hoạch, kinh phí thực hiện; phải có kiểm tra, khen thưởng kịp thời; phát huy tính sáng tạo, linh hoạt ở cấp cơ sở; đặc biệt các mô hình tuyên truyền hiệu quả phải được nhân rộng kịp thời; phải có sự tham gia tích cực, sự đồng thuận của Nhân dân.

Để khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác bầu cử vừa qua, làm tốt hơn công tác bầu cử trong nhiệm kỳ tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến đề xuất một số giải pháp. Đó là cần tập trung tuyên truyền chiều sâu trong các tầng lớp nhân dân về cuộc bầu cử: Khi phát thẻ cử tri cần kèm theo Thông báo, hướng dẫn cách thức bầu cử và tiểu sử của các ứng cử viên đến từng hộ gia đình hoặc gửi Thông báo, hướng dẫn cách thức bầu cử và tiểu sử của các ứng cử viên qua điện thoại di đông trước bầu cử vài ngày để cử tri có thêm điều kiện nghiên cứu kỹ, sâu về các ứng cử viên để lựa chọn (Vì hiện nay bầu 4 cấp, quá nhiều ứng cử viên để chọn nên cử tri khó nhớ, khó bầu chọn ứng cử viên cho từng cấp). Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát bầu cử ở địa phương, cơ sở, cần quy định rõ cơ quan nào có quyền kiểm tra và số lần kiểm tra/tổ bầu cử, đơn vị bầu cử. Một số địa phương phản ánh, vừa qua có quá nhiều đoàn kiểm tra xuống địa phương, sự chỉ đạo giữa các đoàn chưa thống nhất, gây khó khăn trong thực hiện ở cơ sở.

Việc niêm yết danh sách cử tri, tiểu sử người ứng cử, font, maket... ở các tổ bầu cử cần linh hoạt, vì điều kiện thực tế ở các tổ bầu cử khác nhau, nhất là những tổ bầu cử, điểm bỏ phiếu được tổ chức tại nhà dân. Thời gian bầu cử cần quy định thoáng hơn: thực tế do làm tốt công tác tuyên truyền, tại nhiều tổ bầu cử, cử tri đã bỏ phiếu xong 100% vào buổi sáng nhưng tổ bầu cử vẫn phải đợi đến 19 giờ mới được kiểm phiếu, gây lãng phí thời gian, đợi chờ của lực lượng làm công tác bầu cử./.

Bích Lan

Các bài viết khác