CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025

02/08/2021

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Một trong những điểm mới của Chương trình là chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nhằm nâng cao được chất lượng, tạo độ bền vững cao.

 

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, dù thảo luận trên hội trường hay thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu đểu thống nhất nhận định, qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những kết quả đạt được là to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. Điều này là tiển đề vững chắc cho quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, để rút kinh nghiệm từ những hạn chế của giai đoạn 10 năm trước, đại biểu mong muốn, kinh tế nông thôn cần được chú trọng thực sự để tạo ra những giá trị bền vững, thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cần điều chỉnh cách tổ chức xây dựng nông thôn mới, điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo phù hợp quy hoạch nông thôn, quy hoạch môi trường và quy hoạch chung. Đặc biệt, cách tổ chức thực hiện nông thôn mới cần chú trọng đến vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, tăng chất lượng cuộc sống thực sự cho người dân, tăng thu nhập cho người dân chứ không chỉ chú trọng để tăng quy mô và sản lượng, số lượng như hiện nay.

Xuất phát từ thực tế của cả nước cùng với thực tế của địa phương, các đại biểu cũng chỉ ra, để cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển kinh tế nông thôn thì cần ưu tiên phát triển sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, nêu ví dụ cụ thể: Cả nước hiện nay có khoảng 10 triệu nông dân và 76 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, sản xuất nông nghiệp hiện vẫn manh mún và hiệu quả liên kết chuỗi chưa cao và dễ đổ vỡ. Từ thực tế ở địa phương, do diện tích đất canh tác trên đầu người dân nhỏ lẻ, thói quen của người dân là giữ đất mặc dù không canh tác, giá thuê đất lại khá cao. Ví dụ như địa phương Bắc Ninh giá thuê đất trung bình khoảng 30-50 triệu đồng/ha/năm và thời gian cho thuê rất ngắn, khoảng 3-5 năm và người thì cho thuê người lại không cho thuê, dẫn đến hiện tượng xôi đỗ. Đây chính là những nguyên nhân mà các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 8% trên tổng số 758.000 doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay. Mặc dù Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp về nông nghiệp như Nghị định 57, 58, 98, 116, thế nhưng vẫn chưa tạo được động lực để doanh nghiệp bỏ vốn vào nông nghiệp.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu, đề nghị nên có giải pháp chỉ đạo, phối hợp thực hiện có hiệu quả chương trình, quan tâm đến tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có cơ chế thu hút và hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, phát triển du lịch nông thôn và chính sách hỗ trợ hợp lý, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt  - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, mong muốn Chính phủ xem xét bổ sung cơ chế hỗ trợ kinh phí của chương trình OCOP tại Thông tư số 08 ngày 30/1/2019 của Bộ Tài chính theo hướng mở rộng nội dung hơn, như hỗ trợ bao bì, trang thiết bị mở rộng nhà xưởng, v.v tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn của phóng viên

Lý giải thêm về điểm mới nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn trong giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, giai đoạn cũ chúng ta quá tập trung nghiêng về phần cứng nhiều hơn, tức là nghiêng về đầu tư kết cấu hạ tầng; tuy nhiên hạ tầng chỉ là điều kiện cần chưa phải đủ vì đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn. Muốn vậy thì cần phải thay đổi tư duy, nhận thức người dân nông thôn, hướng họ tới việc phát triển kinh tế nông thôn.

“Điểm mới của giai đoạn 2021-2025 là chúng ta đi song hành, tạo ra hạ tầng vừa tạo ra một phần mềm nghĩa là nâng cao chất lượng sống người dân, thay đổi tư duy nhận thức của người dân nông thôn, làm sao để họ đúng là chủ thể của nông thôn mới; chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng, phải hướng họ tới tư duy kinh tế nông nghiệp, những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nhưng mô hình nông nghiệp hưu cơ, những mô hình chế biến thay vì bán thô…đó mới là phần để nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới cũng cần phải một nền tảng từ chủ thể là người nông dân. Chỉ khi người nông dân được tri thức hóa, thay đổi được tư duy thì chúng ta mới có một nông thôn mới phát triển bền vững. Lúc đó thu nhập, sinh kế và chất lượng sống của người nông dân, nông thôn tăng lên, người nông dân có thể tiếp cận chương trình OCOP, tiếp cận làm du lịch, nông nghiệp, nông thôn, biết bảo quản, biết chế biến nông sản của mình, biết tìm kiếm thị trường, chủ động kết nối với các doanh nghiệp, với các chuyên gia để giải quyết các vấn đề... toàn bộ đó chính là sự phát triển bền vững của nông thôn mới./.

Dương Dung