Bà Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Bắc Kạn.
TTT: Xin bà cho biết những kết quả quan trọng của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra?
Bà Hồ Thị Kim Ngân: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã rất tích cực, khẩn trương, làm việc liên tục trong 9 ngày (bao gồm cả thứ bảy và chủ nhật) đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, kết thúc sớm 03 ngày so với Chương trình kỳ họp được thông qua.
Kỳ họp này, Quốc hội đã ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Quốc hội đã xem xét các báo cáo về tổng kết công tác bầu cử và kết quả xác nhận tư cách của đại biểu Quốc hội khóa XV; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Nội dung trọng tâm của kỳ họp này là Quốc hội bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Nội dung này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành bài bản, bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao.
Quốc hội đã quyết định số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ cấu tổ chức của Chính phủ và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ; bầu và phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 09 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, 04 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 04 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, 01 Phó Chủ tịch, 04 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Đồng thời, phê chuẩn 04 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tại kỳ họp này, các vị ĐBQH của tỉnh ta đã được phân công tham gia làm Ủy viên của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Nội dung quan trọng thứ hai của kỳ họp này là Quốc hội đã thảo luận, xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; thông qua các Nghị quyết về điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Quốc hội đã đặt ra mục tiêu rất quan trọng là: Tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể có sự lựa chọn ưu tiên để vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân vừa bảo đảm an sinh xã hội.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu: Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Trong 5 năm, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Quốc hội đã giao Chính phủ trong quá trình điều hành tiếp tục chỉ đạo rà soát, bảo đảm không trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là phấn đấu trên cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Quốc hội cũng đã Giao Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp Trung ương cho cả 3 Chương trình (giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
TTT: Theo thông tin bà vừa trao đổi thì Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã thông qua rất nhiều nội dung quan trọng. Xin bà cho biết các ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã có những đóng góp như thế nào vào thành công của Kỳ họp?
Bà Hồ Thị Kim Ngân: Có thể nói kết quả kỳ họp thứ nhất vừa qua đã cho thấy rất rõ tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn của Quốc hội để hoàn thành tốt các nội dung chương trình đã đề ra, trong đó có nỗ lực không nhỏ của các đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu tỉnh Bắc Kạn nói riêng. Từng vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đều phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, dành nhiều thời gian nghiên cứu, tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có chất lượng, đóng góp vào thành công của kỳ họp. Chỉ trong 9 ngày họp, các đại biểu trong Đoàn đã có 7 lượt tham gia phát biểu ý kiến tại Tổ thảo luận và tại hội trường về các nội dung lên quan đến đầu tư công, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, những giải pháp trong phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển tải các kiến nghị của cử tri tỉnh ta đến với diễn đàn Quốc hội.
TTT: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội thứ nhất sẽ được thực hiện như thế nào, thưa bà?
Bà Hồ Thị Kim Ngân: Trên cơ sở tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh ta về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã thống nhất quyết định không tiến hành việc tổ chức các hội nghị gặp gỡ trực tiếp với cử tri mà báo cáo, thông tin kết quả Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đến cử tri thông qua Báo Bắc Kạn, Đài PTTH tỉnh và gửi báo cáo kết quả kỳ họp đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh để thông tin rộng rãi đến các bậc cử tri. Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiến hành tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh thông qua Ủy ban MTTQVN các cấp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.