Cùng dự cuộc làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh; đại diện Lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, Bộ, ngành và Kiểm toán Nhà nước.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh báo cáo tình hình hoạt động của KTNN với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội tại cuộc làm việc, Tổng kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết: Năm 2021, trong bối cảnh cả nước bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã điều chỉnh phương án tổ chức kiểm toán, ưu tiên tối đa cho phòng chống dịch, giảm thiểu tối đa các hoạt động kiểm toán và không tổ chức kiểm toán với các đơn vị y tế, công an quân đội. KTNN đã tiến hành 190 cuộc kiểm toán và 8 tháng qua đã kết thúc kiểm toán 91 đoàn. Theo tổng hợp sơ bộ thì KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính gần 51.000 tỷ đồng, kiến nghị hủy bỏ sửa đổi, bổ sung và ban hành 67 văn bản pháp luật không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn. Ngoài ra, KTNN cũng cung cấp 151 báo cáo kiểm toán và tài liệu liên quan cho các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan nhà nước để phục vụ điều tra, kiểm tra giám sát.
Từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ kiểm toán tiếp tục diễn ra trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 phức tạp, khó lường, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Ngay trong giai đoạn hiện nay, 31 đoàn kiểm toán đang thưc hiện kiểm toán phải tạm dừng. Tuy nhiên, quan điểm của Ban cán sự Đảng KTNN là tiếp tục ưu tiên tối đa, tạo mọi điều kiện cho phòng, chống dịch Covid-19. Giao các đơn vị chủ động, linh hoạt theo phân cấp thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, xây dựng các phương án kiểm toán phù hợp, đảm bảo kết thúc các cuộc kiểm toán năm 2021 trước ngày 30/11/2021, phát hành báo cáo các kiểm toán đúng thời hạn luật quy định.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh
Về định hướng hoạt động trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: KTNN sẽ tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 bằng những chương trình hành động cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 kiểm toán quyết toán ngân sách các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đạt tỷ lệ kiểm toán hàng năm khoảng 80%, còn lại 20% kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần.
Tại hội nghị, đại diện của KTNN và Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành cũng nêu một số kiến nghị cụ thể; sớm có cơ chế phối hợp giữa KTNN với các Ủy ban của Quốc hội, nhất là trong công tác cung cấp, thông tin, số liệu phục vụ công tác giám sát của Quốc hội trong thời gian tới. Các số liệu của kiểm toán “từ sớm, từ xa” sẽ phục vụ hữu ích để các cơ quan của Quốc hội có cơ sở khi giám sát, trước mắt phục vụ tốt cho 4 chuyên đề giám sát trong năm 2022. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần sớm xem xét, bổ sung quy định trong Luật có thành phần là đại diện của KTNN tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội được truy cập nắm bắt báo cáo kết quả kiểm toán nhằm có tư liệu, cơ sở xây dựng, quyết định chính sách pháp luật
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cáo những cố gắng của KTNN. Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội sau Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, thể hiện sự quan tâm, coi trọng vai trò của kiểm toán nhà nước, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế thì trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới xây dựng nền hành chính công lành mạnh, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thành công này của KTNN được Đảng và Nhà nước ghi nhận.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong giai đoạn hiện nay, chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng cao, đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập nhưng hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và trên hết là phục vụ cho lợi ích chung của đất nước và nhân dân. “KTNN phải xác định rõ địa vị pháp lý và tâm thế của mình. Xây dựng và phát triển, vừa đấu tranh với sai phạm, tiêu cực vừa phải ghi nhận, nhân rộng các điển hình tốt trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công. Muốn vậy, phải “nghệ tinh, tâm sáng”, KTNN phải là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Về định hướng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm vụ quan trọng nhất mà Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước phải tập trung chỉ đạo thực hiện ngay là tổ chức xây dựng Đề án hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một nhánh trong Đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự kiến sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương vào cuối năm 2022. Cùng với đó, KTNN cần sớm xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược KTNN đến năm 2025, đặt trong bối cảnh tổng thể thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương về tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế và các Nghị quyết có liên quan của Quốc hội như Nghị quyết số 161/QH14 về công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, các Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ nhất; Thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật KTNN (sửa đổi) để kịp thời bổ sung, điều chỉnh nếu có vướng mắc, hạn chế nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả cho hoạt động của KTNN.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, KTNN bám sát các nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, lựa chọn đúng, trúng các lĩnh vực cần tập trung kiểm toán, góp phần tháo gỡ các “điểm nghẽn” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, cần quan tâm kiểm toán việc thực hiện 3 chính sách vĩ mô trụ cột là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách thương mại, từ đó tham mưu cho Quốc hội những vấn đề vướng mắc về thể chế chính sách, chỉ ra được những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần kiến tạo sự phát triển của đất nước.
Tại Kỳ họp thứ nhất vừa qua, Quốc hội đã quyết định tiến hành giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022. Thực tế cho thấy, lãng phí ở nhiều lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, dự án treo… hậu quả còn lớn hơn cả tham nhũng. Trong điều kiện dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp và tác động nghiêm trọng như hiện nay, càng phải đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí. Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN cần đặc biệt quan tâm kiểm toán trong lĩnh vực này để phục vụ cho giám sát tối cao của Quốc hội nhằm tạo chuyển biến căn bản trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, KTNN cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức công khai kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức, hoạt động của KTNN. Tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các kết luận của KTNN; phân tích, đánh giá nguyên nhân việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN chưa triệt để và có giải pháp khắc phục tình trạng này. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông báo chí nhằm lan tỏa thông tin, nâng cao vị thế của KTNN và nâng cao tính hiệu lực của kiến nghị của KTNN góp phần chấn chỉnh các hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí../.