Bộ sách giáo khoa lớp 1 là bộ sách đầu tiên được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo đó, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được thực hiện theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88), Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 51).
Để thực hiện các Nghị quyết trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (Chương trình GDPT 2018); tổ chức việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình GDPT 2018; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học để triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51; triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 năm học 2020-2021.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ xây dựng Báo cáo số 271/BC-CP ngày 28/5/2020 gửi Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ IX, Quốc Hội khóa XIV về tình hình thực hiện, triển khai Nghị quyết 88. Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19/6/2020 (Nghị quyết 122), trong đó giao Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện và kịp thời báo cáo Quốc hội về những vấn đề đặt ra trong thực tế nhằm thực hiện tốt nhất Nghị quyết 88.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, toàn ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép trong năm học 2020-2021: vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; vừa triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1. Vì vậy năm học được triển khai trong bối cảnh có những yếu tố khó khăn và khác biệt so với các năm học trước.
Đối với học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1: Trước khi vào lớp 1 trẻ 6 tuổi chủ yếu ở nhà (khoảng 6 tháng, từ tháng 2/2020 đến hết tháng 8/2020) nên các em học sinh hầu như không được trực tiếp học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi trên lớp, việc được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1 rất khó khăn và hầu như không thực hiện được. Mặt khác, do tình hình dịch Covid-19 nên năm học 2020-2021 học sinh các cấp học được tổ chức học chính thức sau ngày khai giảng 05/9/2020, (không có 02 tuần làm quen nền nếp, tâm lí cho học sinh lớp 1 như các năm học khác) các năm học trước có 02 tuần làm quen, bắt đầu tựu trường từ 15/8/2020 để học sinh và giáo viên tổ chức làm quen tạo tâm thế sẵn sàng cho học sinh lớp 1.
Về phía giáo viên lớp 1: Do tình hình dịch Covid-19, ngành giáo dục và các địa phương đã rất cố gắng nỗ lực thực hiện các chương trình tập huấn thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, nhiệm vụ mới, tập huấn với hình thức mới, giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên, vì vậy có những lúng túng bước đầu khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và SGK mới ở lớp 1.
Chương trình và SGK GDPT 2018: Chương trình GDPT 2018 chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt; SGK không biên soạn theo tiết như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức; giáo viên, nhà trường nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng. Đây là điểm mới, giao quyền và trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường nhiều hơn. Qua kiểm tra thực tế cho thấy giáo viên, nhà trường một số nơi chưa tự tin và có sự lúng túng khi thực hiện giai đoạn đầu năm học 2020-2021. Cha mẹ học sinh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình nên có biểu hiện lo lắng, so sánh chương trình, SGK cũ và chương trình và SGK mới, gây áp lực cho học sinh, giáo viên và nhà trường…
Về hướng dẫn thực hiện chương trình, SGK GDPT: Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai thực hiện các giải pháp chuyên môn, kịp thời, phù hợp để chỉ đạo các địa phương nhà trường thực hiện. Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh. Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.
Các nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình. Bên cạnh đó là tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho GV trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Trong quá trình triển khai thực hiện, yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
Để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng SGK trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện những nội dung chưa phù hợp trong SGK, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết SGK thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và GV khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Các Sở GDĐT yêu cầu các nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn, nội dung ngữ liệu phù hợp để bổ sung, thay thế (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học phù hợp với trình độ của học sinh và mục tiêu, yêu cầu cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ.
Trước phản ánh về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, kiểm tra và có kết luận cụ thể các nội dung theo phản ánh, căn cứ kết quả báo cáo của Hội đồng thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản yêu cầu nhà Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, kịp thời cung cấp tài liệu chỉnh sửa đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tiểu học đang sử dụng SGK môn Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều đảm bảo kịp thời với hình thức cung cấp phù hợp, thuận tiện cho người sử dụng và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
Kết quả thực hiện Chương trình, SGK GDPT 2018
Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật quy định về triển khai thực hiện chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn về chuyên môn để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình SGK GDPT 2018 đối với lớp 1. Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, GV trong việc thực hiện Chương trình, SGK GDPT đối với cấp tiểu học, đặc biệt đối với lớp 1; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường; đảm bảo tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
100% trường Tiểu học ưu tiên thực hiện đảm bảo tỉ lệ 01 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học đối với học sinh lớp 1; đảm bảo tỉ lệ giáo viên/lớp và cơ cấu GV để thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo quy định của Chương trình GDPT 2018.
100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lí giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học; thời khóa biểu đã được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lí về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh tiểu học.
Tổng hợp kết quả từ các địa phương về kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 cho thấy, tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Học sinh mạnh dạn tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, biết nêu quan điểm qua tiết học cơ bản đã đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ 1 và được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.
Những kết quả cơ bản
Thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình GDPT kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018. Cách tiếp cận trong việc xây dựng Chương trình GDPT 2018 khác biệt căn bản so với chương trình hiện hành. Đó là chuyển từ Chương trình định hướng nội dung sang Chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Với cách tiếp cận đó, Chương trình tổng thể và các Chương trình môn học đã quán triệt đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết số 29/NQ-TW, Nghị quyết 88 và Quyết định 404/QĐ-TTg.
Tổ chức việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa: Thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK theo Nghị quyết 88, Nghị quyết 122 đến nay đã có 05 nhà xuất bản với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn và trình thẩm định 05 bộ SGK lớp 1, 03 bộ SGK lớp 2, 03 bộ SGK lớp 6 đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Tất cả các SGK được Bộ phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK.
Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục: Việc triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực. Mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại trường qua mạng với sự hỗ trợ của đội ngũ GV cốt cán, cán bộ quản lý cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường đại học sư phạm tham gia Chương trình ETEP đã bước đầu được triển khai hiệu quả. Đến nay, đã hoàn thành bồi dưỡng GV cốt cán và cán bộ quản lý cốt cán về Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018 (Mô đun 01, 02, 03, 04, 05 trong tổng số 09 Mô đun/đối tượng) và đang triển khai bồi dưỡng GV đại trà, ưu tiên bồi dưỡng 100% GV dạy lớp 1, lớp 2, lớp 6 hoàn thành nội dung bồi dưỡng về thực hiện chương trình, SGK mới kịp thời trước khi bắt đầu năm học mới.
Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học: Thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các địa phương đã xây dựng đề án cụ thể về chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện, các nguồn vốn hỗ trợ đã được phân bổ cho các địa phương. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, các địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu dạy học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Kết quả triển khai thực hiện chương trình, SGK GDPT đối với lớp 1: Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, GV trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.
Một số tồn tại và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc biên soạn SGK theo chương trình mới còn gặp nhiều hạn chế từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt việc lựa chọn, sử dụng SGK ở các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc in ấn, phát hành.
Tài liệu giáo dục địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn, thẩm định còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng; việc quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu do địa phương biên soạn, thẩm định gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học. Đội ngũ GV còn chưa đồng bộ về cơ cấu, nhất là đối với cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, đặc biệt trong bối cảnh triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 có một số môn học mới.
Điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở GDPT thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đặc biệt là cấp tiểu học vẫn còn nhiều khó khăn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Đổi mới chương trình, SGK GDPT là một vấn đề lớn. Đây là lần đầu tiên, chương trình GDPT được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Việc biên soạn SGK theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện. Lần đầu tiên thực hiện một chương trình, nhiều SGK nên việc lựa chọn, sử dụng SGK ở các địa phương rất đa dạng, khó khăn trong việc in ấn, phát hành.
Nội dung giáo dục địa phương được đưa vào trong chương trình là một vấn đề mới đây là điều thách thức đối với nhiều địa phương trong quá trình thực hiện; theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, tài liệu giáo dục địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức biên soạn, phê duyệt tài liệu theo thẩm quyền và trách nhiệm giải trình về chất lượng nội dung tài liệu.
Việc chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất cũng còn nhiều khó khăn. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học. Đội ngũ GV còn chưa đồng bộ về cơ cấu, nhất là đối với cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 có một số môn học mới.
Số lượng các trường phổ thông thực hiện Chương trình GDPT rất lớn, trải rộng khắp cả nước có vùng thuận lợi, khó khăn, đặc thù vùng dân tộc… dẫn đến một chủ trương đổi mới nhưng có nơi thực hiện rất thuận lợi, có nơi lại rất khó khăn trong quá trình thực hiện, ngân sách nhà nước đầu tư chung cho giáo dục đào tạo còn hạn chế nên điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở GDPT thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đặc biệt là cấp tiểu học vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là khó khăn rất lớn trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018 của các địa phương, ngân sách Nhà nước đầu tư chung cho giáo dục đào tạo còn hạn chế nên cơ sở vật chất tại các cơ sở GDPT vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện chương trình GDPT và các nhu cầu phục vụ học tập khác của các trường.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình SGK GDPT 2018 đối với lớp 1 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo của nhân dân và các lực lượng xã hội, nhưng công tác truyền thông chưa thực sự hiệu quả nên xuất hiện một số ý kiến như: việc chương trình, SGK môn Tiếng Việt lớp 1 theo Chương trình GDPT 2018 còn nặng so với chương Chương trình 2006; cử tri băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc trong in ấn, phát hành SGK và giá SGK lớp 1 mới cao hơn SGK lớp 1 cũ; phản ánh gay gắt về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của Nhà xuất bản Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh (bộ SGK Cánh Diều) có một số ngữ liệu đưa vào sách chưa phù hợp… Các nội dung này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu nghiêm túc và có những giải pháp bổ sung trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phù hợp trong thời gian tới.
Kế hoạch triển khai chương trình, sách giáo khoa trong thời gian tới
Để tiếp tục thực hiện chương trình, SGK mới, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường phối hợp với các Bộ ngành Trung ương và địa phương rà soát, đánh giá để tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo Nghị quyết 51. Trong đó, tập trung chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và những điều kiện đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tích cực rà soát đánh giá tham mưu Chính phủ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ; chủ động hoàn thiện hệ thống văn bản theo thẩm quyền tạo hành lang pháp lý triển khai hiệu quả Chương trình, SGK GDPT. Trong đó đặc biệt chú trọng đến cơ chế, quy trình biên soạn, thẩm định và triển khai SGK theo Chương trình GDPT 2018 đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.
Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với các Bộ ngành trung ương chỉ đạo địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng và thẩm quyền được Chính phủ giao nhiệm vụ tại Quyết định 404; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành và địa phương tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện đổi mới Chương trình, SGK GDPT.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác bồi dưỡng GV và cán bộ quản lý đảm bảo chất lượng, hiệu quả; hoàn thành việc xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, ban hành chuẩn chương trình đào tạo giáo viên các trình độ; thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường sư phạm; chỉ đạo các trường sư phạm thực hiện đào tạo, bồi dưỡng GV đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng theo lộ trình thực hiện.
Tiếp tục hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục; tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, trên cơ sở đó: điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng; xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học (ưu tiên bảo đảm 1 lớp/phòng cho cấp tiểu học), bảo đảm đủ điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, khu đông dân cư, các khu công nghiệp; lập kế hoạch chi tiết cụ thể, tổ chức thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, trường, lớp học đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội.
Tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung vào giáo dục phổ thông; đẩy mạnh công tác truyền thông giúp xã hội, nhân dân hiểu và đồng thuận, đồng hành với Ngành trong quá trình triển khai chương trình, SGK mới.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá SGK, mở rộng về số lượng đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, xuất bản SGK và nâng cao chất lượng SGK phục vụ tốt nhất cho các đối tượng sử dụng. Tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, trợ cấp hoặc miễn phí sử dụng SGK, tài liệu học tập, đặc biệt đối với các em học sinh tiểu học nhằm hiện thực hoá quy định tại Luật Giáo dục 2019 về việc thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc./.