KIẾN NGHỊ CÂN NHẮC MỞ RỘNG PHẠM VI SỬA ĐỔI LUẬT THỐNG KÊ

14/09/2021

Cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê thay vì chỉ sửa Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê,… là đề xuất của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên Hợp tác xã Việt Nam tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ thiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê ”.

 

Toàn cảnh Hội thảo 

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong lĩnh vực thống kê đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, Báo cáo đánh giá 05 năm thực hiện Luật Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập các hạn chế, tồn tại nhưng chưa bao quát hết; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhận thấy còn một số bất cập, hạn chế, vướng mắc cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê: (1) Tỷ lệ lớn chỉ tiêu thống kê quốc gia mới phản ánh về thời gian và quy mô, chưa phản ánh chất lượng, không gian và chiều sâu của hiện tượng kinh tế - xã hội; (2) Chưa thể chế hóa đầy đủ nội dung đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và XII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng kháo IX về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, … (3) Chưa thể chế hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; (4) Việc tổ chức điều tra thống kê phạm vi còn hẹp, chưa phản ánh kịp thời các hiện tượng kinh tế - xã hội; (5) Trong Luật Thống kê quy định về dịch vụ thống kê, hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước là chưa cụ thể; (5) Chưa có quy định về kiểm toán nhà nước đối với thống kê nhà nước và kiểm toán đối với các dịch vụ thống kê ngoài nhà nước, chế độ giám sát của Quốc hội về số liệu thống kê quốc gia nhằm đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của thống kê và khắc phục “bệnh thành tích”; …

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tham gia hội thảo theo hình thức trực tuyến

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội  Đảng lần thứ XIII đề ra Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 -2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn 2045; Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ nhất đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 -2025 và một số Chương trình, Nghị quyết mới về kinh tế -xã hội; mặt khác, trong giai đoạn 2016 -2020, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật với nhiều chủ trương, chính sách nhưng Luật Thống kê chưa thể chế hóa.

Do đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo đề xuất, Luật Thống kê cần được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa các nội dung về phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn, quy định của pháp luật bằng các chỉ tiêu thống kê quốc gia, thống kê của các bộ, ngành, phát triển dịch vụ thống kê nhà nước và ngoài nhà nước để phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của tổ chức, cá nhân xã hội.

“Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, thì cần thiết sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, thì cần thiết sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác của Luật Thống kê để khắc phục bất cập, khó khăn, vướng mắc và thực hiện được mục tiêu, nguyên tắc của hoạt động thống kê. Hiện nay, việc sửa đổi, bổ sugn Luật Thống kê đảm bảo tính khả thi cao trong thi hành, do ứng dụng công nghệ số ”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Ông Trương Quốc Hưng, Phó chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu lập pháp

Cũng tại hội nghị, chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế về Hệ thống chỉ số thống kê quốc gia, ông Trương Quốc Hưng, Phó chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, hoạt động thống kê đang đứng trước những  thách thức lớn do dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động thu thập số liệu thống kê bị ngưng trệ do phong tỏa, giãn cách, cách ly trong khi nhu cầu thông tin, dữ liệu tăng cao đột biến để đối phó khủng hoảng. Đồng thời, dịch bệnh khiến những lỗ hổng về thống kê, dữ liệu bộc lộ rõ ràng; 50% số cuộc điều tra về dân số, nhà cửa, nông nghiệp, doanh nghiệp dự kiến thực hiện trong 2020 đã bị trì hoãn, tạm dừng ở các nước thu nhập thấp và trung bình; ¾ số cơ quan thống kê quốc gia dừng các hoạt động thu thập số liệu trực tiếp, các chương trình thống kê chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng (UN DESA- WB Development Data Group).

Ông Trương Quốc Hưng cũng cho biết, trên cơ sở đánh giá Chỉ số hiệu suất thống kê – SPI, Ngân hàng thế giới (WB) khuyến nghị, chúng ta cần xem lại toàn diện Luật thống kê chứ không chỉ Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia.  Ngoài ra, WB cũng đánh giá kinh nghiệm của EUROSAT thuộc loại tốt nhất thế giới và mô hình thống kê của EUROSAT có thể áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới vì tính đa dạng, tính tích hợp, tính bao trùm, tính mở, tính toàn diện, tính đáng tin cậy.

Tại hội thảo, một số ý kiến đại biểu đề xuất, cơ quan soạn thảo cần có đánh giá kỹ lưỡng, sâu sắc về tổng kết 05 năm thực hiện Luật Thống kê. Trên cơ sở đánh giá đầy đủ những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quy định hiện hành, mới có căn cứ có kiến nghị phạm vi sửa đổi một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo chất lượng cũng như tuổi thọ của dự án Luật.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ts. Nguyễn Văn Hiển và Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến đồng chủ trì hội thảo

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến đặt vấn đề một trong những nội dung quan trọng cần nghiên cứu, xem xét hiện nay là phạm vi sửa đổi của Luật Thống kê. Trong đó, làm rõ sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Thống kê, hay sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hay chỉ sửa Danh mục – Phụ lục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật theo Điều 18 của Luật hiện hành./.

Lê Anh