TIẾP THU NHIỀU Ý KIẾN THẨM ĐỊNH CỦA BỘ TƯ PHÁP TRONG DỰ ÁN LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG (SỬA ĐỔI)

14/09/2021

Trong Hồ sơ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, đại diện Cơ quan soạn thảo- Bộ Nội vụ cho biết đã tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp thẩm định về dự án Luật này.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật này

Đại diện Cơ quan soạn thảo- Bộ Nội vụ cho biết, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp có nhiều nội dung thống nhất với cơ quan soạn thảo. Cụ thể, cơ quan soạn thảo thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) thay thế Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành nhằm khắc phục những bất cập, đồng thời bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy phát huy mục đích, vai trò của việc tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.

Bộ Tư pháp cũng thống nhất đánh giá nội dung dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và không có nội dung trái với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Cơ quan soạn thảo đã thực hiện báo cáo đánh giá thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính. Quá trình xây dựng dự án Luật, Cơ quan soạn thảo đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với những nội dung cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã tiếp thu ý kiến đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn về những kết quả đạt được, những tồn tại, bất cập từ quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành để đảm bảo cơ sở thuyết phục hơn về sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) vào Báo cáo tổng kết 17 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và Tờ trình Chính phủ.

Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến đề nghị cần rà soát cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng được nêu trong Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị; Thông báo số 120 - TB/TW ngày 18/01/2013 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới công tác thi đua, khen thưởng như: tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất, nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng, khen thưởng đảm bảo chính xác, không trùng lặp, chồng chéo; tập trung hướng về cơ sở, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.

Đồng thời, Bộ cũng tiếp thu ý kiến bổ sung hình thức “truy tặng” danh hiệu “Nghệ nhân dân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” vào dự thảo Luật để phù hợp với Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Tiếp thu đề nghị nghiên cứu các tiêu chuẩn xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” để tránh trường hợp xét đặc cách; nghiên cứu đối tượng xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” là phát thanh viên và nhạc sĩ tại Tờ trình Chính phủ; Tiếp thu ý kiến lược bỏ một số tiêu chuẩn xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” như: Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đạo đức lối sống, tích cực học tập chính trị, chuyên môn nghiệp vụ (do trùng với tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm); Tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá tác động thủ tục hành chính đối với các quy định sửa đổi về đối tượng, thẩm quyền, tiêu chuẩn khen thưởng; bổ sung việc đánh giá tác động thủ tục hành chính đối với quy định giảm bớt thành phần hồ sơ đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản; đánh giá khát quát thủ tục mới như thủ tục xét tặng danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu, Phường, Thị trấn tiêu biểu” vào Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính trong dự thảo Luật.

Bộ Nội vụ đã tiếp thu ý kiến cân nhắc bổ sung “Cờ thi đua cấp tổng cục và tương đương; Bằng khen cấp tổng cục và tương đương, Cờ thi đua, Bằng khen của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước do Chính phủ quyết định thành lập vào dự án Luật”. Nội dung này đã được báo cáo xin ý kiến Chính phủ tại Tờ trình Chính phủ; Tiếp thu ý kiến đánh giá về điều kiện đảm bảo về nguồn nhân lực, tài chính để đảm bảo thi hành Luật tại dự thảo Tờ trình Chính phủ; Tiếp thu ý kiến đề nghị hoàn thiện thêm Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định tại Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ và Thông tư số 17/2014/TT-BTP ngày 13/8/2014 của Bộ Tư pháp quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vào báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; Tiếp thu ý kiến đề nghị chỉnh sửa tên Điều 95 dự thảo Luật; quy định cụ thể các trường hợp áp dụng từng chế tài; bổ sung thẩm quyền hủy bỏ quyết định khen thưởng, thu hồi danh hiệu thi đua hoặc tước danh hiệu; bổ sung đối tượng tổ chức là pháp nhân thương mại vi phạm pháp luật hình sự bị hình phạt “Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước; bổ sung các trường hợp được xem xét phục hồi danh hiệu trong trường hợp các nhân, tổ chức bị xét xử oan sai và được cơ quan có thẩm quyền minh oan, sửa sai.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng tiếp thu ý kiến đề nghị quy định cụ thể về hiệu lực thi hành và Luật thay thế cho Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành; các nội dung quy định chuyển tiếp; Tiếp thu rà soát các thuật ngữ quy định về “cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng”, “cơ quan chuyên trách về thi đua, khen thưởng ở Trung ương”; Tiếp thu rà soát ngôn ngữ, kỹ thuật trình bày, trình tự, thủ tục soạn thảo như bỏ cụm từ “viết tắt” tại tên gọi dự thảo Luật; không ghi tên điều trùng tên mục tại các Điều 31, 52, 66 của dự thảo Luật; Tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong thi đua, khen thưởng; khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách; dự kiến về nguồn lực tài chính khi bổ sung các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng tiếp thu ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng trong dự án Luật. Cơ quan soạn thảo dự kiến quy định thành 01 khoản tại Điều 89 Cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng: “Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng”./.

Hồ Hương