ĐOÀN ĐBQH ĐẮK NÔNG LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)

13/10/2021

# Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông vừa tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Toàn cảnh Hội nghị Lấy ý kiến góp ý vào các Dự án luật do Đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Nông tổ chức

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ(SHTT) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế SHTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành. Các đại biểu cũng đã đóng góp các ý kiến chất lượng tập trung về một số vấn đề. Cụ thể, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Việc bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT. Các hoạt động hỗ trợ về SHTT; chính sách nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT; bố cục, câu chữ…

Đại biểu đóng góp ý kiến vào các dự án Luật

Thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này gồm 8 chương, 50 điều. So với luật hiện hành, dự thảo luật lần này có 25 điều được chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung và 25 điều quy định mới. Các đại biểu cơ bản đồng tình về bố cục, nội dung của dự thảo luật, đồng thời góp ý vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là khâu kiểm duyệt phim trên truyền hình và điện ảnh cần đảm bảo thống nhất và chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá, phân tích kỹ khi đưa ra các nội dung và hành vi bị nghiêm cấm khi phản ánh về tệ nạn xã hội, đạo đức xã hội, định kiến giới... Vì một số tác phẩm điện ảnh phản ánh mặt trái xã hội đã đưa ra cách nhìn và cách giải quyết vấn đề thấu đáo, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Về đấu thầu sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu việc sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước có được thực hiện theo hình thức đấu thầu theo quy định hiện hành không để đưa vào phương án lựa chọn. Dự thảo luật bổ sung việc tổ chức phổ biến các đoạn phim ngắn tại địa điểm chiếu phim công cộng do nhà nước thực hiện để tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhiều ý kiến đại biểu cũng băn khoăn, hiện nay, việc phát hành phim nước ngoài đang có thời lượng và tần suất lớn trên các kênh sóng; trong đó, nhiều phim có liên quan đến yếu tố văn hóa, lịch sử của đất nước. Điều này, dễ dẫn đến nhiều người biết về lịch sử, văn hóa của đất nước khác so với lịch sử, văn hóa của dân tộc ta. Vấn đề này cần có một sự thống kê, đánh giá hoàn chỉnh để có biện pháp kiểm soát. Đồng thời, Luật cần có các chế định để xây dựng ngày càng nhiều sản phẩm phim chất lượng, có giá trị về đề tài lịch sử, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, chiến tranh cách mạng,..

Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, nghiên cứu và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp./.

 

Phúc Hân