PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: QUYẾT LIỆT, SÁNG TẠO ĐỂ TỔ CHỨC THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025

13/10/2021

Cho ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 tại Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phải bền vững, tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng, đồng thời tổ chức thực hiện phải quyết liệt, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, dám chịu trách nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Theo Tờ trình của Chính phủ, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng- an ninh. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa chính sách và cơ chế điều chỉnh linh hoạt để ứng phó hiệu quả với những biến động trong và ngoài nước. Đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và năng suất cao. Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Kế hoạch đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, Kế hoạch bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.

Kế hoạch đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại không gian kinh tế và các ngành, phát triển lực lượng doanh nghiệp trên cơ sở giữ vững ổn định và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, hoàn thiện đồng bộ thể chế và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đồng thời, xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát tính huy chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Phục hồi kinh tế chủ động trong và sau dịch

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc chuẩn bị nội dung về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cũng như đánh giá sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt những kết quản nổi bật như đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, gia tăng năng suất, nâng dần tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo, tạo dư địa để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ an sinh xã hội trong điều kiện năm 2020, năm 2021 có đại dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Tán thành với sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, quá trình thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 còn thay đổi chậm, Chính phủ cần tiếp tục rà soát những hạn chế, cập nhật đánh giá tác động của đại dịch Covid-19, làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan và giải phá đột phá cho việc khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mới phát sinh.

Nêu rõ, tác động của đại dịch trong 2 năm qua (2020- 2021), tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu, mục tiêu đề ra; năm 2020: đạt 2,91%; 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1,42%; mục tiêu tăng trưởng kinh tế là sụt giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, số lao động bị thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức rất cao. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, kết quả này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng toàn giai đoạn. Do đó, việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần phải logic, khả thi, đảm bảo tính bền vững.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tất cả các quốc gia, kể cả các nước phát triển hiện nay đều không tránh khỏi suy giảm về kinh tế. Sự khác biệt giữa các quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ hơn trước đại dịch hay bị tụt hậu lại phía sau chính là sự chuẩn bị và lựa chọn chính sách tương ứng với dịch bệnh. Do vậy chiến dịch phục hồi kinh tế chủ động trong và sau dịch, cần phải được thể hiện mạnh mẽ, rõ nét trong Kế hoạch.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, thời gian tới, khi mà các nước chạy đua để phục hồi, phát triển kinh tế sẽ tung ra các gói hỗ trợ, kích thích phát triển kinh tế khổng lồ thì lại có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lạm phát mới. Hoặc vấn đề đang rất nóng hiện nay là giá năng lượng, giá khí đốt, giá điện đồng loạt tăng mạnh ở khắp các châu lục và tình trạng mất điện diện rộng ở Trung Quốc, thiếu hụt xăng dầu, khí đốt tại châu Âu đang nhen nhóm một đợt “khủng hoảng năng lượng”.  Điều này chắc chắn sẽ đe dọa sự hồi phục mong manh của kinh tế toàn cầu. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đấy là những yếu tố cần được dự báo và có phương án trong Kế hoạch của nước ta.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, tác động của đại dịch còn kéo dài, do đó cần điều chỉnh, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phải bền vững, rồi giải quyết các vấn đề chiến lược dài hạn, tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững, phát triển xanh dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phát triển bền vững, hài hòa của văn hóa, an sinh xã hội và môi trường.

Cơ cấu lại nền kinh tế trong từng giai đoạn, gắn với việc đảm bảo nguồn lực

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ cần ưu tiên tập trung cơ cấu lại nền kinh tế trong từng giai đoạn, gắn với việc đảm bảo nguồn lực, kịp thời thực hiện công tác dự báo, đảm bảo đánh giá đúng, đủ, kịp thời, chủ động thích ứng với những biến đổi khó lường của tình hình thế giới, nhất là đánh giá hiện nay tình hình dịch COVID-19 lúc nào kết thúc

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu cụ thể về đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển các thị trường lao động. Trong giai đoạn tới, phải có giải pháp đột phá trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Chủ trương tái cơ cấu này được xác định là một trọng tâm từ Đại hội Đảng lần thứ XI, nhưng đến nay, quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước quá chậm.

Tập trung vào giải pháp xuyên suốt cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Đề nghị rà soát danh mục các chương trình để tập trung vào các chương trình đề án thật sự quan trọng phục vụ trực tiếp cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chỉ rõ, còn có nội dung chưa được nhắc tới trong báo cáo, tờ trình. Đó là quý III/2021 tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/ 2020 đến nay, cùng với đó là tình trạng di cư, làn sóng lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn trong những tháng gần đây. Bức tranh thị trường lao động, việc làm, thu nhập quý III/2021 thể hiện nhiều đứt gãy, biến động. Do ảnh hưởng của đợt dịch và áp dụng giãn cách xã hội kéo dài người dân ồ ạt về các địa phương là ngoài dự kiến; người lao động không thể đáp ứng được mức giá sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố, không tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế ở thành thị, sự gián đoạn kết nối sử dụng lao động với người lao động, tâm lý lo sợ trước dịch bệnh…là những  vấn đề mà Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có thêm đánh giá và dự báo tình hình để chủ động ứng phó với thực trạng di dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần có biện pháp quyết liệt, sáng tạo để đổi mới cách nghĩ, cách làm, dám chịu trách nhiệm để tổ chức thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có sức lan tỏa, kết nối, đoàn kết là nền tảng nội sinh quan trọng để phát huy tinh thần cống hiến của đất nước./.

Bảo Yến