Theo GS.TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu, Điện ảnh Hà Nội, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này (bản dự thảo ngày 16-8-2021) đã tiếp thu nhiều điều những người làm điện ảnh chờ đợi qua các lần lấy ý kiến, trao đổi, qua tổng kết thực tiễn.
Nhấn mạnh từ Luật Điện ảnh năm 2006 đến nay nền công nghiệp điện ảnh thế giới trong đó có Việt Nam đã có những thay đổi rất lớn, GS.TS Trần Thanh Hiệp cho rằng: Sự chuyển đổi từ công nghệ cơ học điện tử sang công nghệ số đã thay đổi tư duy làm phim, thay đổi cách sản xuất phim, thay đổi phương thức phổ biến và tiếp nhận tác phẩm điện ảnh.
Phổ biến phim trên không gian mạng không có trong Luật Điện ảnh 2006, sửa đổi năm 2009. Phim trên không gian mạng có một khối lượng vô cùng lớn hướng tới thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người xem khác nhau nhưng không phải phim nào cũng có giá trị nhân văn. Bên cạnh việc được tự do lựa chọn thời điểm xem phim, phương tiện xem phim, người xem được tự do lựa chọn nội dung phim. Có những nội dung phim đã làm cho dư luận không chỉ một lần băn khoăn, lo lắng, bức xúc. Không phải không có câu hỏi đặt ra: Có cần quản lý phim trên không gian mạng không, ai là người chịu trách nhiệm chính trong quản lý, quản lý như thế nào, quản lý trên cơ sở pháp lý nào?
Facebook là mạng xã hội rất nổi tiếng, dường như ai cũng có thể sử dụng, dường như ai cũng có thể bầy tỏ ý kiến cá nhân. Không nên quên rằng FB cũng có cách kiểm soát các nội dung của người dùng, có điều họ kiểm soát, họ lọc bỏ theo quan điểm nào mà thôi.
Phổ biến phim trên không gian mạng
Việc phổ biến phim trên không gian mạng đã được đề cập trong Điều 22 dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Như vậy có thể thấy phổ biến phim trên mạng đã nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Điện ảnh. Trong dự thảo Luật có 2 phương án cho việc phổ biến phim trên không gian mạng. Phương án một: Phương án tự phân loại phim; phương án hai: phim chỉ được phổ biến khi có giấy phép phân loại.
Theo GS.TS Trần Thanh Hiệp phương án một phù hợp xu thế phát triển, phù hợp với thực tiễn ở nhiều nước, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Vấn đề chính là công tác thanh tra, kiểm soát, hậu kiểm của chúng ta phải được quan tâm, đổi mới, chuyên nghiệp hóa sâu và nâng cao chất lượng như thế nào. Trong đó, công tác thanh tra phải được chuyên nghiệp hóa sâu. Việc quản lý phổ biến phim trên không gian mạng thời công nghệ không thể đứng ngoài công nghệ. Công nghệ không thay thế được con người nhưng trí tuệ nhân tạo, những thành tựu của công nghệ có thể trợ giúp đắc lực trong việc nhận biết phát hiện những cảnh khiêu dâm, bạo lực đẫm máu, bản đồ không đúng chủ quyền lãnh thổ và những nội dung bị cấm trong Luật Điện ảnh.
“Có ý kiến cho rằng nếu theo phương án 1, các doanh nghiệp phổ biến phim trên không gian mạng tự phân loại phim còn phim chiếu trên hệ thống các rạp phải xin cấp giấy phép phân loại sẽ tạo ra sự bất bình đẳng. Thoạt nhìn có vẻ là như vậy. Nhưng nhìn vào vấn đề cốt lõi sẽ thấy có sự bình đẳng mang tính nguyên tắc trước pháp luật của các phương thức phổ biến phim. Đó là tất cả các phương thức phổ biến phim đều được tạo điều kiện, đều được quản lý, đều được điều chỉnh bằng pháp luật Việt Nam. Tất cả các phim dù sử dụng hình thức phổ biến nào nếu vi phạm pháp luật Việt Nam cũng đều bị ngăn chặn, gỡ bỏ…”, GS.TS Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh.
Ở một khía cạnh khác, GS.TS Trần Thanh Hiệp cho rằng rất cần những cách tiếp cận phù hợp với thực tế - một thực tế luôn vận động phát triển. Tới một lúc nào đó không chỉ phim phổ biến trên không gian mạng được tự phân loại mà một số phim chiếu trong hệ thống rạp cũng được (hoặc phải) tự phân loại. Trước mắt, đó là các phim hướng tới người xem rộng rãi, không bị giới hạn độ tuổi.
Bổ sung phim loại K
GS.TS Trần Thanh Hiệp cho biết, trong thực tế phát triển điện ảnh hầu như văn bản pháp luật nước nào cũng xác định có loại phim bị cấm phổ biến. Đó là điều dễ hiểu. Bởi nước nào cũng phải bảo vệ quyền lợi văn hóa, những giá trị văn hóa, những giá trị cốt lõi và rường cột thể chế và xã hội của đất nước mình. Có nước chỉ phân ra hai loại phim: Phim được phổ biến, phim không được phép phổ biến mà không phân loại phim theo độ tuổi. (Điện ảnh Trung Quốc thực hiện theo cách này). Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật, Anh, Australia, Brasil …phân loại phim theo độ tuổi trong đó có loại phim bị cấm phổ biến.
Trong dự thảo luật Điện ảnh Điều 33 Phân loại phim đã kế thừa được kinh nghiệm thực tế, có sự tiếp thu các ý kiến của các nhà phổ biến phim trong quá trình biên soạn và có sự tham khảo kinh nghiệm của các nước.
Theo GS.TS Trần Thanh Hiệp, việc bổ sung phim loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi đối với các phim vốn chỉ được phép chiếu cho người xem 13 tuổi trở lên với điều kiện xem cùng cha mẹ và người giám hộ. Bổ sung phim loại K trong bảng Phân loại phim thể hiện Ban soạn thảo đã rất cầu thị lắng nghe ý kiến góp ý, tạo điều kiện không chỉ cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho các gia đình nhiều thế hệ trong việc thụ hưởng các tác phẩm điện ảnh trong hệ thống các rạp.
Ủng hộ hoàn toàn nội dung Phân loại phim của Điều 33, GS.TS Trần Thanh Hiệp lưu ý, việc cấm phổ biến một bộ phim Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cần chú ý đặc điểm kỹ thuật Điện ảnh. Nếu như trước đây một bộ phim nhựa Việt Nam bị cấm phổ biến, khi cơ quan quản lý giữ bản gốc (bản nê gốc) thì không ai có thể in sao. Giả sử có quyết định thiêu hủy, điều đó đồng nghĩa với việc bộ phim không tồn tại. Nhưng đó là câu chuyện của phim nhựa. Phim hiện nay là phim kỹ thuật số. Nhà sản xuất, hoặc nhà phát hành gửi ổ cứng chứa phim Việt Nam đến cơ quan quản lý xin trình duyệt, cơ quan quản lý không thể mở ra xem được, chỉ xem được khi tổ chức, cá nhân trình duyệt cung cấp một mã để mở khóa theo một buổi nhất định, một giờ nhất định. Lại giả sử có một quyết định thiêu hủy bộ phim Việt Nam- tang vật vi phạm thì cũng cần phải hiểu điều đó không có ý nghĩa nhiều lắm. Trong một thời gian rất ngắn chủ sở hữu phim có thể in sao thành nhiều bản. Bao nhiêu bản đấy là ý chí của chủ phim. Để tránh việc phim bị cấm ở nơi này lại có thể xuất hiện ở nơi khác thì rất cần một giải pháp có hiệu quả và chế tài đủ mạnh thể hiện trong văn bản pháp luật.
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét và cho ý kiến về dự án Luật điện ảnh (sửa đổi). Nhiều nội dung trong dự án Luật sửa đổi lần này đã thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh. Tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã và đang tích cực rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý đảm bảo các quy định tại dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn, hướng tới hoàn thiện môi trường pháp lý cho nền điện ảnh Việt phát triển mạnh mẽ ./.