ĐỀ XUẤT NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ KHAI THÁC THÔNG TIN, DỮ LIỆU CỦA CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

18/10/2021

Tại Hội nghị “Giới thiệu kiến thức và kỹ năng cơ bản cho đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu” do Ban Công tác đại biểu tổ chức vừa qua, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa đã đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thông tin, dữ liệu của các đại biểu Quốc hội đối với kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Toàn cảnh Hội nghị “Giới thiệu kiến thức và kỹ năng cơ bản cho đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu” do Ban Công tác đại biểu tổ chức

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; cùng hơn 50 đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu là Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Phó trưởng Ban, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Trước khi đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thông tin, dữ liệu của các đại biểu Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa trình bày chuyên đề "Quốc hội với việc sử dụng kết quả kiểm toán về ngân sách Nhà nước", trong đó tập trung đề cập đến 5 vấn đề chính tại Hội nghị: (1) Tổng quan về Kiểm toán Nhà nước; (2) Quy trình quản lý ngân sách Nhà nước (NSNN); (3) Trình ý kiến của Kiểm toán Nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương; (4) Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm; (5) Khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán để phục vụ việc thẩm tra, quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) và phê chuẩn quyết toán NSNN.

Kết quả kiểm toán đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân

 Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa trình bày chuyên đề "Quốc hội với việc sử dụng kết quả kiểm toán về ngân sách Nhà nước"

Tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa đã chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế trong việc lập Báo cáo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương cũng như Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN, Báo cáo kiểm toán năm.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho rằng, hàng năm Kiểm toán Nhà nước mới kiểm toán được số lượng hạn chế ngân sách các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức kinh tế của Nhà nước, trong khi đó theo Luật NSNN thì các đơn vị này hàng năm phải được kiểm toán; tỷ trọng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán tài nguyên khoáng sản, môi trường... trong kế hoạch kiểm toán hàng năm còn thấp, chưa tương đồng với thông lệ và xu thế của các Cơ quan Kiểm toán tối cao trên thế giới; chất lượng công tác phân tích, đánh giá dự toán NSNN chưa cao nhằm cung cấp các thông tin kịp thời giúp Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phân bổ NSTW, quyết định đầu tư dự án, công trình quan trọng quốc gia và HĐND quyết định NSĐP.

Kết quả kiểm toán đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân, chưa giải đáp được thỏa đáng, kịp thời một số vấn đề búc xúc của xã hội, nhất là vấn đề về tình trạng lãng phí, thất thoát trong lĩnh vực đầu tư, chưa phân tích, đánh giá một cách đầy đủ những vấn đề khó khăn, bất cập của chủ trương hoặc lỗ hổng của cơ chế, chính sách kinh tế làm thất thu cho NSNN, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; nhiều phát hiện kiểm toán mới chỉ dừng lại ở mức độ phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, chưa có nhiều vụ việc phát hiện rõ sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật để chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Bên cạnh đó, hiệu lực kiểm toán chưa cao, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời và nghiêm minh, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý tài chính bình quân giai đoạn 2010-2019 là 71%. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cũng cho rằng, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực của Kiểm toán Nhà nước chưa được hoàn thiện đầy đủ; thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, có khả năng phân tích, tổng hợp các vấn đề vĩ mô cũng như khó khăn trong việc bố trí đội ngũ có trình độ đáp ứng yêu cầu triển khai kiểm toán một số lĩnh vực kiểm toán mới, kiểm toán công nghệ thông tin và phối hợp kiểm toán liên quốc gia theo cam kết hội nhập; tính chuyên nghiệp của đội ngũ kiểm toán viên còn khoảng cách so với yêu cầu của chuẩn mực quốc tế.

Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thông tin, dữ liệu của các ĐBQH đối với kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thông tin, dữ liệu của các đại biểu Quốc hội đối với kết quả kiểm toán 

Từ những khó khăn, hạn chế nêu trên, để nâng cao hiệu quả khai thác thông tin, dữ liệu của các đại biểu Quốc hội đối với kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa kiến nghị cần thiết phải có sự quan tâm nghiên cứu, hiểu rõ việc khai thác thông tin, dữ liệu của các đại biểu Quốc hội về Báo cáo kiểm toán, Báo cáo ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW hàng năm của Kiểm toán Nhà nước để có thể sử dụng triệt để, đúng mức kết quả kiểm toán, từ đó có thông tin phục vụ cho việc ra các quyết định về vấn đề NSNN.

Cho rằng thông tin về tình hình NSNN rất nhiều, rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên trong mỗi kỳ họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa kiến nghị các đại biểu Quốc hội nên chọn lựa những vấn đề, những thông tin thiết thực, trọng yếu vừa mang tính tổng quát vừa mang tính chiến lược, phù hợp những vấn đề kinh tế - tài chính mà Quốc hội và cử tri quan tâm… Nhưng quan trọng hơn cả, Kiểm toán Nhà nước phải khắc phục được những hạn chế trong hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm toán nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho các đại biểu Quốc hội.

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm và trung hạn cần tiếp tục định hướng kiểm toán việc quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng trong quản lý tài chính công, tài sản công phục vụ cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa đề nghị cần phối hợp thường xuyên với các cơ quan của Quốc hội khi xây dựng kế hoạch kiểm toán để đảm bảo bám sát định hướng về hoạt động giám sát, do các chương trình giám sát của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội thường được quyết định vào cuối năm, thậm chí chưa xác định tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước báo cáo xin ý kiến đại biểu Quốc hội về kế hoạch kiểm toán năm dẫn đến định hướng kế hoạch kiểm toán hàng năm phục vụ hoạt động giám sát của các cơ quan Quốc hội còn hạn chế.

Thứ hai, luôn tuân thủ nguyên tắc hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là “Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và “Trung thực, khách quan, công khai, minh bạch”. Đây là những vấn đề cốt lõi và xương sống của hoạt động kiểm toán. Khi tiến hành hoạt động kiểm toán, tuân thủ theo nguyên tắc trên thì sẽ có những kết luận minh bạch và tin cậy về thực trạng NSNN, đó là những kết luận có bằng chứng đã được đánh giá. Từ đó, các đại biểu Quốc hội có đủ căn cứ pháp lý để thảo luận, đưa ra nghị quyết về những vấn đề liên quan đến NSNN.

Thứ ba, hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước về tham gia, trình ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW. Đồng thời nghiên cứu và xây dựng quy định chuyên môn, nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước có liên quan tới kiểm toán dự toán NSNN;

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cũng đề nghị tập trung thực hiện các giải pháp liên quan đến tổ chức bộ máy và phát triển nhân sự như nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên về kiểm toán dự toán NSNN. Xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng về kiểm toán dự toán NSNN. Tổ chức nghiên cứu khoa học về kiểm toán dự toán NSNN, tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm về kiểm toán dự toán NSNN.

Ngoài ra, cần đổi mới về tổ chức thực hiện của Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh cần tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán dự toán NSNN; đặc biệt trong vấn đề phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu. Đối với các vấn đề chưa được quy định cụ thể trong luật, nghiên cứu cụ thể hóa thông qua các quy chế phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các bộ ngành, địa phương.

Thứ tư, nâng cao chất lượng kiểm toán thông qua việc thực hiện các nội dung trong Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.

- Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa kiến nghị cần nâng cao năng lực kiểm toán đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, đến năm 2025 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm khoảng 80%, còn lại 20% kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần và đến năm 2030 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm đạt 100% đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Phát triển đa dạng hóa các nội dung kiểm toán, từng bước tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường và các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới; phấn đấu đến năm 2025 thực hiện kiểm toán các nội dung này đạt khoảng 30% và đến năm 2030 đạt từ 40% trở lên số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng kiểm toán tài chính, thay đổi cách thức tiếp cận kiểm toán, tổ chức kiểm toán theo thông lệ quốc tế; tăng cường và phát huy hơn nữa tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại.

- Định kỳ kiểm toán nợ công quốc gia nhằm đánh giá việc quản lý, sử dụng các nguồn lực, cơ cấu, nội dung, tính chất của các nguồn thu, nhiệm vụ chi cũng như dự báo, phân tích về an toàn nợ công, tính bền vững của các nhân tố tác động trong thứ tự ưu tiên bố trí, sử dụng nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước.

- Kiểm toán các chuyên đề lớn đối với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa kiến nghị cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, cung cấp các thông tin tin cậy, trung thực, kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành của Chính phủ; phục vụ tích cực cho hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước….

- Nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, lựa chọn tiếp thu những phương pháp kiểm toán mới, tiên tiến, hiện đại, tăng cường thực hiện những cuộc kiểm toán liên quốc gia; triển khai đồng bộ các loại hình kiểm toán gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa hoạt động kiểm toán.

- Tăng cường kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi đầy đủ, liên tục các kết luận, kiến nghị kiểm toán; áp dụng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật Kiểm toán Nhà nước; phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội tổ chức một số phiên giải trình về kết quả kiểm toán, báo cáo kiểm toán để thúc đẩy việc thực hiện kiến nghị kiểm toán; phấn đấu đến năm 2025 trên 90% kiến nghị kiểm toán và đến năm 2030 hầu hết các kiến nghị kiểm toán được thực hiện./.

Bích Ngọc