ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐIỆN BIÊN THAM GIA Ý KIẾN VÀO DỰ ÁN LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

26/10/2021

Ngày làm việc thứ 7, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến, chiều 26/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã tham gia đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.


Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cơ bản nhất trí với Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, để hoàn thiện Dự án luật này, đồng chí Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Cần xem xét về tên “Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung” thành “Luật Sửa đổi”, vì luật này ban hành 2005 và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung (năm 2009 và 2019). Tại kỳ họp này, Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung 92 điều và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều sau khi sửa đổi lên 232 điều. Như vậy, tỷ lệ các điều sửa đổi, bổ sung lần này so với Luật hiện hành chiếm đến 41,44%; trong khi đó về 2 nội dung Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng đã nêu rõ sẽ phải tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số điều của luật khác có liên quan. Do đó, đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét việc đổi tên “Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung” thành “Luật Sửa đổi”.

Đối với nội dung ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ và phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, cần cân nhắc quy định về thời gian phản đối nhãn hiệu. Pháp luật về sở hữu trí tuệ chỉ xem phản đối là việc cho phép bên thứ ba có ý kiến với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn thẩm định nội dung và đây chỉ là nguồn thông tin tham khảo phục vụ cho việc thẩm định. Việc quy định ý kiến phản đối được xem xét trong thời gian thẩm định về nội dung có một số bất cập, như thời hạn cho phép phản đối quá dài: “9 tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố”; “4 tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố”… Quy định thời gian khá dài như vậy có thể khiến quy định bị lạm dụng và làm cho quá trình thẩm định nội dung trước khi cấp văn bằng bảo hộ bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân.

Công tác kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài, để các tổ chức, cá nhân có thể nhận biết được các quy định và áp dụng, cần cân nhắc, xem xét một số điểm sau: Theo quy định của dự thảo thì những sáng chế có tác động đến an ninh, quốc phòng, được tạo ra toàn bộ tại Việt Nam, dự thảo quy định thời hạn kết thúc 6 tháng kể từ ngày nộp đơn mới được phép đăng ký sáng chế ở nước ngoài. Dự thảo đã trao quyền cho Chính phủ quy định cụ thể về sáng chế mật và kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài, nhưng đây là chế định mới, có tác động đến các tổ chức, cá nhân có sáng chế, vì vậy cần làm rõ những vấn đề trên để các đối tượng chịu tác động có thể định hướng chính sách và đồng thời các quy định này có tính khả thi cao khi tổ chức thực hiện…

Về việc đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm cũng là quy định mới. Theo đó “chủ bằng độc quyền sáng chế không phải nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ cho khoảng thời gian mà thủ tục đăng ký lưu hành lần đầu của dược phẩm được sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế đó tại Việt Nam bị chậm”. Để không phải nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ trong trường hợp này thì trong vòng 12 tháng kể từ ngày dược phẩm được cấp phép lưu hành, chủ bằng độc quyền sáng chế phải nộp cho cơ quan xác lập quyền sở hữu công nghiệp văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm xác nhận về việc thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm đó bị chậm. Trong quy định của pháp luật về dược không có quy định cấp văn bản xác nhận về việc thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm bị chậm, chỉ có các quy định liên quan đến cấp mới, sửa đổi, gia hạn giấy đăng ký lưu hành dược phẩm.

(Theo Báo điện tử Điện Biên Phủ)