ĐẠI BIỂU BÙI THỊ QUỲNH THƠ: CHÍNH SÁCH CẦN ĐẢM BẢO PHÙ HỢP VỚI ĐẶC TRƯNG CỦA TỪNG ĐỊA PHƯƠNG

27/10/2021

Tham gia phiên thảo luận trực tuyến sáng 27/10, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ bày tỏ thống nhất với chủ trương thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và đóng góp một số ý kiến làm rõ thêm nội dung Dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu thảo luận

Tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu 03 ý kiến về các Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Thứ nhất, về chính sách dư nợ vay. Theo quy định của Luật Ngân sách hiện hành, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không được vượt quá 20%. Tuy nhiên, thực tế các địa phương chưa sử dụng hết định mức hiện tại. Ví dụ, tại tỉnh Thanh Hóa, tính theo năm 2021, mức dư nợ vay tối đa là 2.636 tỷ nhưng dư nợ vay đến cuối năm 2021 chỉ mới đạt được 27% mức dư nợ cho phép. Tính theo mức 60% nếu dự thảo được thông qua thì mức dư nợ được phép vay sẽ là 7.909 tỷ, cao gấp 11 lần so với mức sử dụng hiện tại.

Tương tự, Nghệ An vẫn chưa sử dụng hết mức trần theo quy định hiện hành như trong dự thảo báo cáo thẩm tra đã nêu. Bên cạnh đó, số liệu Báo cáo số 491 của Chính phủ về báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Báo cáo thẩm tra số 2024, một của Ủy ban Tài chính, Ngân sách năm 2020 đã thông tin dư nợ cho vay đến cuối năm 2018 của Thành phố Hồ Chí Minh bằng 26,5% mức dư nợ cho phép. Lưu ý năm 2018 GDP của cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng rất cao.

Tổng kết Hà Nội và các địa phương cũng cho thấy mức dư nợ cho vay thực hiện đều luôn thấp hơn so với mức Quốc hội cho phép. Vì vậy, cần làm rõ cơ sở xây dựng hạn mức dư nợ vay, phương án sử dụng vốn vay, dự kiến hiệu quả kinh tế, nguồn trả nợ vay. Các khoản nợ vay theo Luật Ngân sách hiện hành được quy định rõ trong Luật Quản lý công năm 2017 và Điều 11, 12 của Nghị định 93 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, dư nợ vay ở đây lại vượt quá mức quy định hiện hành. Vì vậy, cần làm rõ thêm nguồn trả nợ vay. Điều quan trọng là cần tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết, phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương đang nhận trợ cấp từ trung ương.

Thứ hai, về quản lý đất đai và quản lý, sử dụng rừng. Theo dự thảo Nghị quyết đối với thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ quyết định chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ. Đại biểu cho rằng cần làm rõ các loại đất trên đã tính toán trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia của địa phương khi trong năm nay quy hoạch sử dụng đất quốc gia dự kiến được phê duyệt. Nghị quyết cũng cần quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền địa phương.

Nội dung thứ ba là kiến nghị khác. Ngoài thành phố Hải Phòng, một trong những động lực tăng trưởng của cả nước thì cơ chế, chính sách đặc thù riêng là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, đối với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là 3/6 tỉnh nằm trong khu vực kinh tế Bắc Trung Bộ, ngoài Thừa Thiên Huế có những chính sách bảo vệ di sản, còn lại các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách được đề xuất cơ bản tương đồng nhau, mặc dù mỗi địa phương có những đặc điểm, thế mạnh, đặc thù so với các địa phương khác, song chưa có những cơ chế và chính sách mới tương thích với đặc thù của một tỉnh hội tụ 3 vùng địa lý, chưa thể hiện vai trò động lực tăng trưởng quan trọng của miền Trung như Tờ trình đã nêu. Để phát huy vai trò của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế và các loại hình sản xuất kinh doanh và thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhấn mạnh về giải pháp liên kết vùng, phát triển vùng kinh tế trong bối cảnh các địa phương trong cả nước đều cần bổ sung nguồn kinh phí để phát triển kinh tế địa phương để tránh tình trạng rải rác các địa phương trong cả nước lần lượt xin cơ chế đặc thù, dẫn đến các quy định pháp luật về ngân sách, phân bổ ngân sách không còn phát huy hiệu lực. Đại biểu đề xuất nên chăng Quốc hội cho thí điểm cơ chế đặc thù tập trung, trước hết cho một vùng kinh tế hiện đang có nhiều tiềm năng và động lực phát triển, do ở đây có 3/6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ nên cơ chế đặc thù áp dụng chung. Đề xuất sẽ cho các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, thống nhất giới hạn lại và tập trung vào các chính sách phát triển đầu tư thống nhất về cơ chế đặc thù vùng để sau 5 năm kết thúc giai đoạn thí điểm, nếu thành công thì có thể điều chỉnh quy định pháp luật và áp dụng chung cho các địa phương trong cả nước. Theo đó, Quốc hội sẽ giao các tỉnh còn lại xây dựng kế hoạch phát triển địa phương của mình dựa trên các tiêu chí về cơ chế đặc thù được thông qua. Đề xuất bổ sung chính sách thu hút đầu tư và thu hút nhân tài. Và theo tính toán của tôi, nếu theo dự toán ngân sách 2021, nếu thực hiện cơ chế đặc thù trên các địa phương cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu ngân sách. Ví dụ về chính sách ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu tăng thu trên địa bàn nếu tính toán thì căn cứ vào dự kiến thu. Tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu so với dự toán 2021 thì 70% tăng thu của 3 tỉnh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cũng chỉ ở mức là 2.509 tỷ, chỉ chiếm 0,22% ước tổng thu và 0,75% ước thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 của ngân sách nhà nước và đấy cũng là cơ chế có thể ảnh hưởng đến ngân sách nhất.

Qua việc đề xuất chính sách đặc thù trên, thiết nghĩ cần sớm có sự tổng soát và điều chỉnh hệ thống pháp luật về ngân sách Nhà nước. Chính sách cần phù hợp với đặc trưng từng vùng, mang tính tổng thể, có phân loại thành các nhóm cho các địa phương. Các quy định cần phải được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật đã được ban hành./.