ĐBQH NGUYỄN THỊ LAN ANH: GIẢM SỐ NĂM GIẢNG DẠY TRỰC TIẾP ĐỐI VỚI ''NHÀ GIÁO NHÂN DÂN''

28/10/2021

‘’Dự án Luật cần chỉnh sửa về quy định thời gian khen thưởng với một số trường hợp đặc thù’’ là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị lan Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, trong buổi thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) diễn ra sáng 28/10.

 

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho ý kiến về dự thảo Luật

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh khẳng định: Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này đã khắc phục được bất cập của quy định hiện hành; phù hợp với thực tiễn trong tình hình mới, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất trí với báo cáo thẩm tra đã trình bày.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên chỉnh sửa một số nội dung, vấn đề sau: Về danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân”. Tại điểm c, khoản 3 Điều 62 quy định tiêu chuẩn để xét danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, đại biểu cho rằng cần “nới lỏng” quy định số năm trực tiếp giảng dạy của tiêu chuẩn này đối với giáo viên công tác ở vùng cao, biên giới, hải đảo từ 15 năm xuống 10 năm và của cán bộ quản lý từ 10 năm xuống 7 năm. Tương tự như vậy, cũng quy định nới lỏng theo hướng giảm số năm trực tiếp nuôi, giảng dạy đối với “Nhà giáo nhân dân” công tác ở vùng cao, biên giới, hải đảo.

Lý giải cho điều này, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho biết: Do các tỉnh vùng cao, biên giới, hải đảo các nhà giáo tiêu biểu, có phẩm chất đạo đức tốt, sau thời gian giảng dạy từ 5-7 năm trong ngành thường được cân nhắc bổ nhiệm và động viên giữ chức vụ quản lý để tiếp tục cống hiến cho ngành và địa phương. Vì vậy, nếu tính số năm trực tiếp nuôi dạy (không tính thời gian giữ chức vụ cán bộ quản lý trong ngành giáo dục) thì nhiều nhà giáo tiêu biểu không đủ điều kiện được công nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Các nhà giáo (gồm cả nhà quản lý giáo dục) được công nhận “Nhà giáo ưu tú” khi còn trẻ có cơ hội và nhiều động lực phấn đấu đạt danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” khi trong độ tuổi công tác. Các cá nhân này sẽ tạo động lực cho các cá nhân khác phấn đấu.

Về tiêu chuẩn tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: Tại điểm b khoản 1 Điều 72 dự thảo Luật đã được điều chỉnh so với Luật hiện hành. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị xem xét bổ sung tiêu chuẩn khen thưởng có điều kiện tương đương để đảm bảo tính kế thừa trong xây dựng luật và không ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của cá nhân do thay đổi luật. Ví dụ, có thể bổ sung thêm vế “...hoặc có 5 năm liên tục trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 5 sáng kiến cấp cơ sở“. Tương tự như vậy, cũng quy định với bằng khen của bộ, ngành, tỉnh để không ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của cá nhân và phù hợp với thực tế.

Vũ Thắng - Hồng Ngọc