CẦN CÂN NHẮC VIỆC THÀNH LẬP QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH

20/11/2021

Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), tại Phiên họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần cân nhắc việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh vì còn yếu tố, điều kiện chưa hợp lý để thực hiện.

 

Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009. Sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã còn bộc lộ những thiếu sót, bất cập.


Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịc​h Nguyễn Văn Hùng.

Tại Phiên họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, một số quy định của Luật Điện ảnh hiện hành không còn phù hợp với thực tế nên không khả thi trong quá trình triển khai như: Luật Điện ảnh chưa quy định về mô hình và lĩnh vực hoạt động cùng nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả; quy định cấp phép tổ chức chiếu giới thiệu phim Việt Nam tại nước ngoài; quy định đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài...

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật Điện ảnh như: Công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; Quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; Quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; Cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam;…

Từ thực tế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Điện ảnh là cần thiết nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và về điện ảnh nói riêng. Đồng thời, khắc phục những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành; bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành của Việt Nam và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Chính phủ trình lên Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Một trong những nội dung quan trọng nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là về vấn đề thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.


Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh.

Nêu quan điểm về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, bày tỏ sự băn khoăn đối với việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh vì có nội dung chi trùng với ngân sách nhà nước và chưa làm rõ nguồn thu trong dự án Luật. Tuy nhiên, nguồn thu quy định trong Nghị định kèm theo hồ sơ, Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật có ghi nguồn thu trích từ tỷ lệ doanh thu chiếu phim, doanh thu của doanh nghiệp phổ biến phim qua Internet và nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ khi mới thành lập Quỹ nhưng chưa nói bao nhiêu. Thêm nữa, việc trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam, 1% tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới, 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền, 0,05% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình phải rất cân nhắc vì căn cứ nào để xác định tỷ lệ này? Ngoài ra, hiện nay có nhiều tổ chức không đồng tình với việc trích nộp này và các tỷ lệ cũng căn cứ như thế nào cũng chưa thấy có cơ sở để giải trình cụ thể.

Một điều quan trọng nữa là Luật Điện ảnh năm 2006 đã có quy định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, cho đến nay, Quỹ này vẫn chưa được thành lập. Như vậy, từ kiểm chứng qua thực tiễn cho thấy rằng, chưa có Quỹ thì ngành Điện ảnh vẫn phát triển. Hiện nay, các luật đều không nên quy định Quỹ ngoài ngân sách nhà nước nên không cần thiết quy định cần có Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).


Đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai.

Đồng thuận với quan điêm trên, đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, cho rằng mục đích và nội dung thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn còn dàn trải; mục tiêu hỗ trợ của Quỹ không tập trung và đầy đủ, có thể dẫn đến không hiệu quả. Có nhiều việc hỗ trợ của Quỹ trùng lặp với các mục chi từ ngân sách và các hoạt động sự nghiệp của cơ quan quản lý điện ảnh. Mục đích của Quỹ là tài trợ cho lĩnh vực điện ảnh có sử dụng đến đổi mới về khoa học, công nghệ… Đối với những dự án sử dụng các tiến bộ khoa học công nghệ đã sử dụng quỹ đổi mới khoa học công nghệ quốc gia nên có sự trùng lắp.

Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật xác định nguồn thu của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh từ ngân sách nhà nước, tỷ lệ phần trăm trên giá vé xem phim và phiếu phim trên truyền hình. Nghị định kèm theo quy định rất rõ thu bao nhiêu phần trăm từ nguồn này. Theo đại biểu Lê Thu Hà, với phân bổ nguồn thu như này, việc trích nguồn thu cho Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ phải tăng giá vé xem phim nên sẽ tạo gánh nặng lên đối tượng khách hàng, người thụ hưởng sản phẩm điện ảnh. Nguồn thu từ quảng cáo truyền hình khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế phải cõng trên vai thêm khoản chi. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến khó lường, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và nếu như doanh nghiệp tiếp tục cộng thêm các khoản đóng quỹ bắt buộc, các nhà phát hành phim cũng sẽ bắt buộc phải tăng giá vé và chưa kể đến việc các đơn vị quốc tế hoàn toàn có thể từ chối phát hành tại Việt Nam thì sẽ khó khả thi thực hiện được nguồn thu để trích vào Quỹ.

Ngoài ra, cơ chế đảm bảo sự minh bạch của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng rất mơ hồ và nhiều đối tượng bị tác động nên đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần cân nhắc, làm rõ hơn.


Đại biểu Lâm Văn Đoan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.

Còn theo đại biểu Lâm Văn Đoan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, nội dung thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh thực chất đã được đưa vào trong Luật Điện ảnh hiện hành nhưng đến nay vẫn chưa có vận hành. Xem lại các nội dung, các mục nhiệm vụ của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh trùng rất nhiều với cả nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh. Do vậy, cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần cân nhắc việc thành lập Quỹ này.

Theo đại biểu Lâm Văn Đoan, quá trình giám sát các Quỹ ngoài ngân sách nhà nước cho thấy, nhiều quỹ có khả năng thực hiện các nhiệm vụ yếu. Còn sản phẩm điện ảnh đòi hỏi nguồn lực lớn nhưng nhìn vào nguồn lực cho Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng rất mỏng manh. Hơn nữa, nhiệm vụ trùng với nhiệm vụ của quản lý nhà nước. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) cân nhắc và không nên đưa nội dung thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh vào trong dự án Luật.

Giải trình về những ý kiến còn băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhiều quốc gia có nền Điện ảnh phát triển đều áp dụng xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Cơ quan soạn thảo dự án Luật cho rằng, Việt Nam cũng cần phải có Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh thì mới có điều kiện để hỗ trợ các đối tượng hưởng Quỹ.

Thay mặt Cơ quan soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bày tỏ tinh thần tiếp thu sâu sắc các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để cùng với Cơ quan thẩm tra nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 3.


 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận về các nội dung đóng góp cho dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Phát biểu kết luận về các nội dung đóng góp cho dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật. Các ý kiến đóng góp đều rất sâu sát, trách nhiệm, trên tinh thần xây dựng chung và nhiều góp ý cụ thể xuất phát từ thực tiễn, nền điện ảnh trong nước và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới.

Để Luật Điện ảnh (sửa đổi) có thể áp dụng khả thi trong thực tiễn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thiện Hồ sơ theo quy định để trình Quốc hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ 3, với yêu cầu việc sửa đổi Luật Điện ảnh phải tạo ra hành lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là một ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế và hội nhập quốc tế./.

Bích Lan