Tham dự hội thảo có: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và các thành viên Ủy ban; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh; cùng đông đảo các đại biểu, chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học… trong lĩnh vực giáo dục.
Hội thảo Giáo dục Việt Nam (VEC) được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức hàng năm từ năm 2017, nhằm tạo diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, các nhà giáo, nhà quản lý chia sẻ, trao đổi, thảo luận về các vấn đề trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI; làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp cùng với cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện hiệu quả. Năm nay, Hội thảo có chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:
Quang cảnh Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo"
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Hội thảo.
Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Thế hệ trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước; rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho sinh viên, học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền cần xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch về tăng cường hoạt động xây dựng văn hóa học đường, hệ giá trị văn hóa trong trường học đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh trình bày tham luận tại Hội thảo.
Các tham luận tại Hội thảo đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa học đường trong rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển bền vững đất nước.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trình bày tham luận tại Hội thảo.
Nhiều giải pháp cũng được các đại biểu đề xuất để văn hóa học đường và giáo dục giá trị văn hóa trong các nhà trường, trong đó, cần tăng cường nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò quan trọng của giáo dục giá trị và xây dựng văn hóa học đường; xây dựng chương trình, đề án tổng thể về tăng cường giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn trung và dài hạn.
Đồng thời đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, học sinh, sinh viên phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng người học; tăng cường quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa ứng xử đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng.
Cùng với đó, xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa gia đình – nhà trường và xã hội; có giải cơ chế để huy động sự tham gia thực chất của gia đình; nâng cao vai trò, tinh thần nêu gương của giáo viên, giảng viên, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu nhà trường...
Bà Margarete Saches-Israel - Trưởng Chương trình Giáo cụ chất lượng và hòa nhập Văn phòng UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trình bày tham luận tại hội thảo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội thảo buộc phải chuyển từ hình thức tổ chức trực tiếp sang tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, song Hội thảo vẫn nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo...
Ghi nhận những những ý tưởng, đề xuất, kiến nghị đầy tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu Ban nội dung của Hội thảo tổng hợp, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở cho xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách về giáo dục - đào tạo nói chung, văn hóa học đường nói riêng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo, góp phần phát triển đất nước trong trong giai đoạn mới.