ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG BÁO CÁO KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ NHẤT, THỨ HAI, QUỐC HỘI KHÓA XV

02/12/2021

Tại phiên Khai mạc kỳ họp thứ Tư HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Lý Thị Lan, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang, Giám đốc Sở Ngoại vụ thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo đến toàn thể Kỳ họp và cử tri trên địa bàn toàn tỉnh kết quả chủ yếu của kỳ họp thứ Nhất và kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV.


Đồng chí Lý Thị Lan, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang báo cáo tại Kỳ họp thứ Tư HĐND tỉnh.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tận dụng tối đa thời gian, làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật, Kỳ họp thứ Nhất và thứ Hai, Quốc hội khoá XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Kỳ họp thứ Nhất được diễn ra trong 9 ngày (từ ngày 20 đến ngày 28/7/2021), chương trình nghị sự tập trung chủ yếu vào công tác cán bộ với việc kiện toàn các chức danh thuộc bộ máy Nhà nước, Chính phủ. Kỳ họp thứ Hai diễn ra trong 16 ngày (họp trực tuyến từ ngày 20/10 đến 30/10 và họp tập trung tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 8/11 đến ngày 13/11/2021), Quốc hội đã thực hiện các nhiệm vụ theo quy định đó là xây dựng luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cụ thể:

Về công tác lập pháp, Quốc hội tiếp tục xác định đây là một nội dung trọng tâm của kỳ họp, vì vậy đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thông qua 02 luật, 05 nghị quyết về các nội dung: Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Và cho ý kiến đối với 05 dự án luật là Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ là cơ sở cho việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sau.

Sau khi xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; xem xét, thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV.

Về hoạt động chất vấn, Quốc hội đã dành thời gian 2,5 ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư. Trong không khí dân chủ, xây dựng, đã có 170 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận với các thành viên Chính phủ để đi đến cùng vấn đề chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm vấn đề chất vấn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ngoài ra, Quốc hội cũng đã tập trung xem xét một số nội dung quan trọng khác, đồng thời đề nghị các cấp, các ngành cần nghiêm túc triển khai, thực hiện như công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; thực hiện các giải pháp đồng bộ để duy trì và mở rộng đối tượng tham gia; thực hiện quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội hiệu quả; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế theo thẩm quyền; công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng. Đối với công tác giải quyết kiến nghị cử tri, Quốc hội cho rằng, các ý kiến mặc dù đã được tiếp thu, nghiên cứu xử lý và trả lời thấu đáo nhưng vẫn còn một số ít văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung kiến nghị, vì vậy yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri; giải quyết dứt điểm những tồn tại hạn chế đã nêu trong báo cáo.

Qua đó, có thể khẳng định, để tạo nên thành công của Kỳ họp Quốc hội khoá XV thì không thể thiếu sự góp phần quan trọng, sự chuẩn bị chu đáo cùng tinh thần làm việc tâm huyết, trách nhiệm, tích cực tham gia có hiệu quả vào tất cả các chương trình nghị sự của 06 vị ĐBQH Đoàn Hà Giang, cụ thể: Tại kỳ họp thứ Nhất Đoàn có 01 lượt thảo luận tại hội trường về Chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; 04 lượt thảo luận tại tổ (vào Báo cáo KT - XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021 của Chính phủ; về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; một số nội dung về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí).

Tại Kỳ họp thứ Hai, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang có 21 lượt thảo luận tại tổ, 05 lượt thảo luận trực tuyến và 01 lượt thảo luận trực tiếp tại hội trường Diên Hồng về lĩnh vực lập pháp và về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều nội dung tham gia thảo luận của Đoàn đã được Quốc hội ghi nhận và đưa vào Nghị quyết của kỳ họp như: Đánh giá, rà soát những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong thời gian thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng sinh sống tại các khu vực II, III được chuyển lên khu vực I; giải pháp, tiến độ thực hiện 3 CTMTQG; công tác quy hoạch, liên kết vùng; kết cấu hạ tầng giao thông... Nổi bật, tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã có 03 lượt chất vấn với 05 câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, về các nội dung như giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian tới; chế độ lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995, việc chi trả chính sách hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; giải pháp xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo qua mạng trong điều kiện bình thường mới; giải pháp cho các trường vùng sâu, vùng xa còn thiếu giáo viên ngoại ngữ và tin học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các nội dung chất vấn của Đoàn đều đã được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng trả lời làm rõ ngay tại phiên chất vấn.

Ngoài ra, cũng tại kỳ họp, các vị ĐBQH Đoàn Hà Giang đã được phân công tham gia vào các Ủy ban của Quốc hội đó là Ủy ban kinh tế, Ủy ban đối ngoại, Uỷ ban Quốc phòng - An ninh, Hội đồng dân tộc và tham gia các tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước Lào; Trung Quốc; các nước ASEAN; Slovakia; Palestines và Maroc./.

(Theo Trang tin Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang)