ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH KHẢO SÁT THỰC THI PHÁP LỆNH CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG TẠI ĐÀ NẴNG

08/12/2021

Để phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động, sáng 08/12, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về tình hình thi hành Pháp lệnh về Cảnh sát cơ động do Trung tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Công an Tp.Đà Nẵng.

 

Cùng dự có Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng; Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Tp.Đà Nẵng,

Đại tá Lê Văn Sinh - Trưởng phòng Cảnh sát cơ động Công an Tp.Đà Nẵng

Báo cáo đoàn công tác, đại diện Công an Tp.Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là trung tâm kinh tế xã hội, trung tâm tổ chức các sự kiện tầm cỡ khu vực và thế giới, có vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh của khu vực miền Trung Tây Nguyên và cả nước. Giai đoạn từ 2016 đến nay, trên địa bàn cả nước nói chung và  Đà Nẵng nói riêng có nhiều sự kiện tác động lớn về ANTT như: Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020... Nhiều sự kiện lớn được tổ chức tại Đà Nẵng như Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Lễ hội Pháo hoa quốc tế…Đà Nẵng cũng là nơi được Bộ Công an lựa chọn để tổ chức các hoạt động lớn về an ninh trật tự như diễn tập phòng chống khủng bố tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng năm 2018, diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cấp quốc gia năm 2020.

Trong thời gian tới, tình hình ANTT ngày càng phức tạp, dự kiến Đà Nẵng sẽ tiếp tục được lựa chọn để các nước đặt cơ quan đại diện ngoại giao và các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành đặt văn phòng nên nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng Cảnh sát cơ động nặng nề hơn, lực lượng cần được tăng cường biên chế để đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Thực hiện chức năng nhiệm vụ được Bộ Công an, UBND, Giám đốc Công an thành phố giao, từ năm 2016 đến nay, Phòng Cảnh sát cơ động PK02 đã triển khai 84372 lượt cán bộ chiến sỹ, 33431 ca tuần tra kiểm soát 24/24, vừa tuần tra công khai kết hợp hóa trang, trinh sát mật phục trên các tuyến và địa bàn trọng điểm của thành phố. Quá trình làm nhiệm vụ đã phát hiện, xử lý 396 vụ, 612 đối tượng liên quan đến ANTT, trật tự an toàn giao thông. Năm 2018, lực lượng Cảnh sát cơ động phối hợp làm nhiệm vụ tuần tra, chốt chặn kiểm soát ANTT trên địa bàn TP theo kế hoạch 911.

Toàn cảnh buổi làm việc

Góp ý cho dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, công an Tp.Đà Nẵng cho biết, đặc thù của lực lượng Cảnh sát cơ động là làm việc, ăn, ở, sinh hoạt tập trung, thường xuyên phải thường trực chiến đấu, không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình; đóng quân ở nhiều địa bàn phức tạp, vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế khó khăn... Do đó, việc thực hiện các chế độ, chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động là hết sức cần thiết. Các quy định về chế độ, chính sách trong dự thảo Luật đã luật hóa các chế độ, chính sách hiện đang được hưởng của Cảnh sát cơ động, bảo đảm thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong đó đã quy định tiếp tục áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang.

Việc mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong trường hợp áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng tại điểm b khoản 2 điều 10, Công an Tp.Đà Nẵng đề nghị nghiên cứu mở rộng thêm các trường hợp áp giải, vì trong thực tế, lực lượng Cảnh sát cơ động phải áp giải các đối tượng khác như khủng bố, đối tượng hoạt động nguy hiểm có yếu tố chính trị, người nước ngoài nhập cảnh trái pháp để bàn giao cho nước ngoài…bằng đường hàng không cần mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để đảm bảo an toàn.

Về quy định hệ thống tổ chức, cơ cấu của lực lượng Cảnh sát cơ động tại Điều 13, hiện nay Chính phủ trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Để đảm bảo khả năng hoạt động, tính cơ động, linh hoạt của lực lượng Cảnh sát cơ động; đảm bảo tính thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân, Công an Tp.Đà Nẵng đề nghị chọn phương án 1: Hệ thống tổ chức Cảnh sát cơ động gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh, có ý kiến cho rằng, việc quy định trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong việc phối hợp Bộ Công an quy hoạch quỹ đất phù hợp để Cảnh sát cơ động xây dựng trụ sở đóng quân, thao  trường huấn luyện là phù hợp với đặc điểm của Cảnh sát cơ động, thường xuyên tổ chức huấn luyện, thường trực chiến đấu, được trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị... Có ý kiến chỉ rõ, thực tế lực lượng Cảnh sát cơ động nhiều nơi, trong đó có thành phố Đà Nẵng thiếu thao trường, bãi tập, nơi làm việc, sinh hoạt còn chật hẹp, nhiều nơi phải thuê mượn; không có kho tàng để cất giữ, bảo quản vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động có nhiều năm công tác, cống hiến nhưng điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, không có nhà ở, phải thuê trọ, ở nhờ. Do đó, việc quy định trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội là hết sức cần thiết, góp phần động viên cán bộ chiến sỹ Cảnh sát cơ động yên tâm công tác, đồng thời cũng phù hợp với quy định của Luật Công an nhân dân.

Trung tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị, nếu dự thảo Luật được Quốc hội thông qua, cần sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cùng với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành; nghiên cứu, tham mưu xây dựng các đề án, kế hoạch để cải thiện, bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt của lực lượng Cảnh sát cơ động (như mở rộng, cải tạo nơi làm việc, sinh hoạt, thao trường huấn luyện; trang bị đầy đủ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác; thực hiện chính sách về nhà ở xã hội...) nhằm đáp ứng yêu cầu công tác, kịp thời động viên lực lượng Cảnh sát cơ động yên tâm tư tưởng cống hiến.

Sau khi nghe báo cáo, Trung tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng Đoàn công tác ghi nhận, tiếp thu ý kiến của đơn vị, đối với những đề xuất kiến nghị của địa phương, đoàn sẽ tổng hợp để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động trong thời gian tới./.

Nguyễn Hùng

Các bài viết khác