Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND) Xaysomphone Phomvihane và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước ta. Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ nhấn mạnh, thành công của chuyến thăm đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, di sản vô giá, tài sản rất quý báu cần tiếp tục gìn giữ; mối quan hệ thủy chung và đặc biệt hiếm có trên thế giới.
Khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào
- Ông nhận định như thế nào về ý nghĩa và kết quả chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Lào và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào?
Ảnh: T. Chi
- Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của đồng chí Xaysomphone Phomvihane trên cương vị Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào, chuyến thăm trực tiếp đầu tiên của một lãnh đạo Quốc hội nước ngoài đến Việt Nam kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Việc đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Lào cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào đã khẳng định nhất quán quan điểm của Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam luôn dành ưu tiên cao nhất cho việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Đồng thời, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Lào thể hiện sự coi trọng, tin cậy chính trị rất cao của Bạn với Việt Nam. Sự tin cậy đó đã được dày công vun đắp qua nhiều thập kỷ bởi các đồng chí lãnh đạo và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, cả trong thời kỳ gian khó trước đây và trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước ngày nay.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyến thăm diễn ra trong thời gian ngắn 3 ngày, với các hoạt động hết sức đa dạng, thiết thực, đã thành công rất tốt đẹp thể hiện trên cả phương diện: chương trình hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Lào và Đoàn; nội dung trao đổi, làm việc và công tác đón tiếp, lễ tân.
Chương trình hoạt động và nội dung trao đổi, làm việc của Đoàn gồm: lễ đón chính thức, tiếp xã giao, hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội hai nước; các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao: chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội gặp gỡ Đoàn; hội kiến Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Lào đã thăm các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ; gặp Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào và các thành viên; thăm làm việc với một số tập đoàn của Việt Nam; các hoạt động của Phó Chủ tịch Quốc hội Lào và Bộ trưởng Bộ Nông lâm nghiệp Lào với các đồng chí lãnh đạo tương ứng phía Việt Nam.
Đặc biệt, ngay sau hội đàm, Chủ tịch Quốc hội hai nước đã đồng chủ trì hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội hai nước về hai chủ đề: kinh nghiệm về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam và kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam trong xem xét, quyết định các dự án quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên phương diện đón tiếp, lễ tân, với phương châm hữu nghị, trọng thị, chu đáo, thân tình, theo đúng tinh thần mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, có nâng cấp lễ tân, bảo đảm an ninh, an toàn và công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong bầu không khí thắm tình hữu nghị và đoàn kết, trên tinh thần cởi mở và thắm tình đồng chí, các Lãnh đạo cấp cao Quốc hội hai nước đã cùng trao đổi về tình hình mỗi nước, nhất là sau khi hai nước tổ chức thành công Đại hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND khóa mới; cùng nhau chia sẻ thông tin về phương hướng phát triển, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; cùng đánh giá về quá trình hợp tác và định hướng hoạt động của Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào trong nhiệm kỳ mới.
Qua chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane, lãnh đạo Quốc hội hai nước một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, mối quan hệ thủy chung và đặc biệt hiếm có trên thế giới, di sản vô giá của cả hai dân tộc cần tiếp tục gìn giữ và phát triển. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang phát triển hết sức nhanh chóng, phức tạp và khó lường, tình cảm thủy chung, son sắt giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt - Lào không bao giờ thay đổi và ngày càng được củng cố, ăn sâu, bám rễ trong mỗi tầng lớp Nhân dân như Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng nói: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Dấu mốc hết sức quan trọng của quan hệ hai nước
- Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Lào và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào được xem là dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội. Xin ông cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai Quốc hội đã trao đổi, thống nhất những vấn đề quan trọng nào?
- Với tinh thần “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện”, đồng thời, năm 2022 là dấu mốc hết sức quan trọng của quan hệ hai nước, trọng tâm hợp tác giữa Quốc hội hai nước được hai bên nhất trí tập trung vào những nội dung:
Thứ nhất, xem xét ký kết Thỏa thuận hợp tác mới giữa Quốc hội hai nước (Thỏa thuận hiện nay ký ngày 6.3.2017, sẽ hết hạn vào năm 2022) với các nội dung thúc đẩy hợp tác gồm: phối hợp chặt chẽ giám sát và tạo thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, các Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030, Hiệp định hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025 và các Hiệp định khác.
Thứ hai, tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội bao gồm các kỳ họp quốc hội; tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, các nội dung hợp tác hai bên cùng quan tâm. Trước mắt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, có thể tăng cường tổ chức các hội nghị trực tuyến.
Thứ ba, tăng cường giao lưu giữa Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ; tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới và các tỉnh có kết nghĩa.
Thứ tư, trao đổi kinh nghiệm về công tác Đảng tại Quốc hội bao gồm tổ chức hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội; các Tổ đảng ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và tổ chức cấp ủy đảng ở Văn phòng Quốc hội.
Thứ năm, tiếp tục thúc đẩy cơ chế hợp tác ba bên Việt Nam - Lào - Campuchia về Khu vực Tam giác phát triển ba nước. Hiện, Quốc hội ba nước đang tổ chức các hội thảo chuyên đề cấp Ủy ban gồm: Ủy ban Đối ngoại; Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào thống nhất đề nghị Quốc hội, Thượng viện Campuchia xem xét khi cần thiết có thể tổ chức gặp mặt cấp Chủ tịch Quốc hội của Quốc hội ba nước để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác ba bên Việt Nam - Lào - Campuchia về Khu vực Tam giác phát triển.
Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn liên Nghị viện khu vực và quốc tế như Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF)… tiến hành tổ chức các cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị; phối hợp, trao đổi lập trường trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
- Năm 2022, Việt Nam và Lào sẽ tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5.9.1962 - 5.9.2022) và 45 năm Ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977 - 18.7.2022), Quốc hội hai nước đã bàn bạc, thống nhất triển khai các hoạt động kỷ niệm nào trong năm tới, thưa ông?
- Quốc hội hai nước đã bàn bạc, thống nhất triển khai các hoạt động kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022, với các hoạt động cụ thể dự kiến: Tổ chức các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Quốc hội và cấp Ủy ban của Quốc hội; tổ chức Hội thảo chuyên đề giữa Quốc hội hai nước về những nội dung mà hai bên quan tâm; xem xét khả năng tổ chức Đoàn giám sát chung giữa các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội hai nước. Giao lưu giữa Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ; giao lưu giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào.
- Xin cảm ơn ông!