Tại Phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ có mặt đã nhất trí cao và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 (sau dự án Nghị quyết).
Ủy ban Thường vụ biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Thời gian qua, do thực hiện chính sách giãn cách xã hội nên ngành Hàng không nói chung và các doanh nghiệp vận tải hàng không nói riêng phải hạn chế hoạt động, thậm chí có thời điểm ngành hàng không gần như đóng băng. Qua đánh giá cho thấy, chính sách giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021 chưa thể phát huy hết mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp hàng không trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Với tầm quan trọng của ngành hàng không, nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai những giải pháp cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, tạm thời vượt qua khủng hoảng do dịch Covid-19 như: áp dụng biện pháp nới lỏng chính sách về thuế, phí nhằm hỗ trợ các hãng hàng không (như Trung Quốc, Thái Lan...); trực tiếp bơm tiền nhằm bù đắp các chi phí cho doanh nghiệp hàng không thông qua việc trả gốc và lãi vay, trợ cấp lương cho nhân viên, giảm chi phí cất hạ cánh, hay thực hiện mua trái phiếu chuyển đổi, mua cổ phiếu để tăng vốn hoạt động cho các doanh nghiệp (như Singapore, Canada...).
Tùy vào đặc điểm kinh tế - xã hội mà mỗi nước áp dụng các chính sách khác nhau để hỗ trợ ngành hàng không, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển giao thương sau dịch. Với đặc thù của Việt Nam, thuế BVMT đối với nhiên liệu bay có tác động trực tiếp đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp vận tải hàng không. Do đó, việc giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay sẽ là giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới đối với ngành hàng không.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Như vậy, để góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và giúp các doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, tạo tiền đề cho ngành hàng không phục hồi trong tương lai, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế BVMT cụ thể tại Luật thuế BVMT và trên cơ sở kết quả tích cực của việc thực hiện giải pháp giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay trong giai đoạn qua thì việc tiếp tục giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là giải pháp tháo gỡ khó khăn cần thiết và kịp thời.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi khẳng định: Ủy ban nhất trí tiếp tục thực hiện chính sách giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay do tác động của dịch Covid-19, ngành Hàng không tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn; đặc thù của ngành Hàng không có chi phí đầu tư, vận hành rất lớn, việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm doanh thu của ngành giảm mạnh trong khi chi thường xuyên vẫn phải duy trì ở mức cao, dòng tiền của doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu hụt nghiêm trọng; dự báo trong năm 2022 ngành Hàng không tiếp tục chịu tác động của đại dịch Covid-19 với những diễn biến khó lường, thị trường hàng không nội địa có thể phục hồi từng bước nhưng còn nhiều khó khăn, riêng thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để có thể phục hồi.
Việc giảm 30% so với mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ tháng 7/2020 đến hết năm 2021 đã góp phần giảm giá nhiên liệu bay, giảm chi phí nhiên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp vận tải hàng không bù đắp một phần chi phí. Tuy nhiên, mức hỗ trợ thực tế qua giảm thuế BVMT trong năm 2021 là rất nhỏ do số lượng chuyến bay được vận hành không đáng kể. Vì vậy, ngành Hàng không cần tiếp tục được hỗ trợ trong năm 2022 với mức độ cao hơn để giúp các doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, tăng cường khả năng phục hồi sau khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi.
Chính phủ trình thời gian áp dụng giảm thuế BVMT là cả năm 2022 và từ tháng 01/2023 sẽ quay lại mức thuế trước đây. Các tính toán về tác động ảnh hưởng giảm thu ngân sách Nhà nước theo phương án Chính phủ trình cũng thống nhất với các giải pháp về tài khóa trong gói chính sách để hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế Chính phủ đang chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí với phương án của Chính phủ. Trường hợp trong năm 2023 tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các đường bay, chuyến bay vẫn chưa thật sự được khôi phục, Chính phủ có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay phù hợp với tình thực tế phát sinh.
Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị áp dụng cho 2 năm 2022 -2023 để bảo đảm chính sách dài hạn, giúp doanh nghiệp ngành hàng không có thời gian để phục hồi, phát triển, góp phần giảm chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách về dự thảo Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Phiên họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc chậm trễ gửi hồ sơ, đồng thời thống nhất ban hành Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay theo trình tự, thủ tục rút gọn. Cụ thể: Nhất trí quy định BVMT đối với nhiên liệu bay giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018-UBTVQH ngày 26/9/2018 về biểu thuế BVMT để tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp vận tải hàng không trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Mức thuế trên được áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Tại Phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ có mặt đã nhất trí cao và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết nên đề nghị Ủy ban Tài chính-Ngân sách chủ trì và phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Chủ tịch Quốc hội ký, ban hành Nghị quyết ngay trong ngày 31/12/2021./.