PGS.TS LÊ BỘ LĨNH: VIỆC TỔ CHỨC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG THỂ HIỆN MỘT QUỐC HỘI CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT, THÍCH ỨNG VỚI BỐI CẢNH MỚI

01/01/2022

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, ĐBQH khoá XII, XIII nêu rõ: Việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV xuất phát từ chính vai trò của Quốc hội, từ đòi hỏi của cuộc sống, của cử tri và của tình hình đất nước; thể hiện một Quốc hội chủ động, linh hoạt và thích ứng với bối cảnh mới, bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng do đại dịch COVID-19 đặt ra...

Phiên họp thứ 6 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Tại Phiên họp thứ 6 (đợt 2), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và nhất trí kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 01/2022. Chia sẻ về việc tổ chức kỳ họp bất thường này, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Tổng thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ: Việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV xuất phát từ chính vai trò của Quốc hội, từ đòi hỏi của cuộc sống, của cử tri và của tình hình đất nước. Qua đó, thể hiện một Quốc hội chủ động, linh hoạt và thích ứng với bối cảnh mới, bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng do đại dịch COVID-19 đặt ra, thể hiện sự đổi mới trong nội dung và phương thức hoạt động của Quốc hội, trong đó có việc tổ chức kỳ họp bất thường bằng phương thức trực tuyến.

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, đại biểu Quốc hội khoá XII, XIII, nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có một vài chia sẻ.

Phóng viên: Thưa ông, việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV có thể coi là kỳ họp đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, chưa từng có tiền lệ để xem xét, quyết định các nội dung lớn, cấp bách, những quyết sách quan trọng của đất nước trong bối cảnh vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19. Ông có đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của Quốc hội cùng Chính phủ để tổ chức kỳ họp bất thường này?

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Hiến pháp đã quy định, trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chinh phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội có thể tổ chức kỳ họp bất thường ngoài kỳ họp định kỳ hàng năm. Đại dịch COVID-19 đang diễn ra là một cuộc khủng hoảng toàn cầu tác động đến tất cả các quốc gia, đặt tất cả các cơ quan, tổ chức, trong đó có các nghị viện phải thay đổi phương thức hoạt động như họp trực tuyến, bàn thảo và quyết định những vấn đề cấp bách, mới nảy sinh. Quốc hội nước ta không phải là ngoại lệ và cùng với Chính phủ, việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV là một sự chủ động, xuất phát từ chính vai trò của Quốc hội, từ đòi hỏi của cuộc sống, của cử tri và của tình hình đất nước. Trên thực tế, từ các kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV và những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tính chủ động và thích ứng với bối cảnh mới, bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng do đại dịch đặt ra, có nhiều đổi mới trong nội dung và phương thức hoạt động, trong đó có việc tổ chức kỳ họp bất thường bằng phương thức trực tuyến.

Phóng viên: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí 4 nội dung cơ bản trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất dự kiến được tổ chức từ 04/01-11/01/2022. Ông đánh giá như thế nào về các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp bất thường này?

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Bốn nội dung chuẩn bị được bàn thảo và quyết định tại kỳ họp bất thường đều là những vấn đề cấp bách đáp ứng những đòi hỏi vừa trước mắt, vừa lâu dài và nhìn chung là cần được quyết định sớm.

Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là nội dung được các đại biểu Quốc hội, cử tri đặc biệt quan tâm do tính chất cấp thiết để ứng phó và thích ứng với diễn biến và hậu quả của đại dịch COVID-19. Sự suy giảm tăng trưởng, tình trạng phá sản và ngưng hoạt động của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, cùng với cuộc khủng hoảng y tế đang tác động đến việc duy trì các thành quả mà chúng ta phấn đấu đạt được trong nhiều năm; việc làm của người lao động,an sinh xã hội đều trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, nếu không có các giải pháp mạnh, cấp bách, trước hết là các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ thì rất khó có thể phục hồi và phát triển kinh tế. Vấn đề này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận nhiều lần, tham khảo sâu và rộng ý kiến chuyên gia thông qua các diễn đàn, hội thảo, hội nghị tham vấn. Dù vậy, đây vẫn sẽ là vấn đề đòi hỏi sự tập trung trí tuệ và trách nhiệm cao độ của cả Chính phủ và các đại biểu Quốc hội khi thảo luận và quyết định tại kỳ họp bất thường này.

Đối với chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình Quốc hội xem xét đầu tư toàn bộ dự án bằng hình thức đầu tư công chắc chắn cũng sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi. Đây không chỉ là bước đi cần thiết để thực hiện dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư từ khóa XIV mà còn liên quan đến các ưu tiên phát triển hạ tầng và đầu tư công trung hạn giai đoạn đến năm 2025 trong bối cảnh thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế.

Việc thực hiện thủ tục rút gọn đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật (gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự) tại kỳ họp bất thường này cũng thể hiện tinh thần hoàn thiện thể chế đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế đang nguy cấp hiện nay.

Về nội dung Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ thực chất là sự tháo gỡ những nút thắt phát triển của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Như vậy có thể nói, các nội dung chuẩn bị kỳ họp bất thường này là những vấn đề lớn, cấp bách, cấp thiết, đã được cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.

Phóng viên: Trong những nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường, ông quan tâm nhất đến vấn đề nào? 

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Tôi quan tâm đến Nghị quyết về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế vì đây là vấn đề hết sức cấp bách trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay. Bên cạnh đó,với Dự án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, quy mô vốn, hình thức đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện cũng là những vấn đề rất đáng quan tâm. Có thể nói, cả hai nội dung này sẽ có tác động cộng hưởng khá lớn đến các cân đối vĩ mô của nền kinh tế trong những năm tới.

Phóng viên: Với khối lượng công việc lớn như vậy, ông có kỳ vọng gì ở Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV này?

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Với sự chuẩn bị khá khẩn trương, tích cực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ như tôi được biết, tôi tin Quốc hội sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất này.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở khối lượng công việc mà quan trọng hơn là ở chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của các quyết định. Những nội dung sẽ được quyết định tại kỳ họp bất thường này sẽ có tác động rất lớn và rất nhanh đến tình hình kinh tế - xã hội ngay trong những năm tới. Vì vậy, tôi cho rằng, vẫn cần nghiên cứu, đánh giá tác động của các quyết định này và điều này thường ít được quan tâm. Hiệu lực, hiệu quả của các quyết định cũng phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện. Do đó, giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần được thực hiện nghiêm túc. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, trong bối cảnh ứng phó và thích nghi với đại dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp, Quốc hội không chỉ sẵn sàng vào cuộc cùng Chính phủ mà còn luôn giám sát chặt chẽ hoạt động của Chính phủ để các quy định đều được tuân thủ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác