ĐOÀN ĐBQH TP. ĐÀ NẴNG: CẦN TÍNH TOÁN LẠI THỜI GIAN THỰC HIỆN DỰ ÁN CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG

06/01/2022

Chiều 06/01, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường, Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng tiến hành thảo luận tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

 

Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng tiến hành thảo luận tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu đồng tình việc thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo các đại biểu, dự án là một chiến lược quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giảm áp lực cho các tuyến giao thông quốc gia.

Đại biểu Lê Ngọc Hải nhận định đây là một hành lang vận tải hết sức quan trọng, kết nối ba miền Bắc - Trung – Nam, tuy nhiên còn băn khoăn về thời gian thi công mà Chính phủ trình từ 2022 đến 2024 là khó khả thi, vì công việc khảo sát, thiết kế, giải phóng mặt bằng rất phức tạp, qua nhiều công đoạn, do đó nên xác định lại thời gian ít nhất là 2025. Đại biểu cũng đề nghị quy hoạch, bố trí thêm từ 4 làn xe thành 6 đến 8 làn để có tầm nhìn phát triển về lâu dài.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu nguồn hỗ trợ để hình thành đường cao tốc qua bốn tỉnh Tây Nguyên cũng như kết nối tỉnh Bình Phước với TP Hồ Chí Minh, giúp kết nối miền Trung – Tây Nguyên và phía Nam, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Đại biểu Lê Ngọc Hải phát biểu thảo luận.

Tham gia thảo luận tổ, đại biểu Trần Đình Chung cho rằng các đơn vị có liên quan cần có tính toán thiết kế đảm bảo tính lâu dài, phù hợp, tránh lãng phí, ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch phải có tính chiến lược, khớp nối với các đường nhánh dẫn vào đường Quốc lộ, đường mòn Hồ Chí Minh. Đại biểu cũng đồng tình về việc xem xét lại thời gian thực hiện dự án, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng nhà thầu thi công dự án, rút kinh nghiệm từ những vụ việc xảy ra tại dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hay tuyến La Sơn – Túy Loan.

Đại biểu Trần Đình Chung phát biểu thảo luận.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán lại, tham khảo các dự án tương tự để cân đối nguồn vốn cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả. Lưu ý xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, nâng giá, gây khó khăn ảnh hưởng tiến độ của dự án.

Đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, các đại biểu thống nhất cao sự cần thiết phải có cơ chế đặc thù phát triển địa phương này. Thảo luận sâu một số nội dung, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho biết, với đặc thù là địa phương có tỷ lệ đất nông nghiệp, đất trồng lúa cao, thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa quy mô dưới 500ha cần cân nhắc giảm xuống, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, việc chuyển đổi cần phải tuân thủ các quy định, cá thể hóa trách nhiệm của địa phương, các cơ quan tổ chức liên quan, đồng thời cần lấy ý kiến công khai các đối tượng chịu tác động, phải mang lại hiệu quả phát triển địa phương.

Đại biểu Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng phát biểu thảo luận. 

Cũng liên quan đến dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng đề nghị cần quan tâm hơn đối với dự án phân luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, với đặc thù đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu giao thông đường thủy. Về khu liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đại biểu dẫn chứng thời gian gần đây việc ùn ứ xuất khẩu hàng nông sản thể hiện sự bị động, tạo khó khăn trong sản xuất nông sản, việc hình thành các trung tâm này sẽ tháo gỡ một phần việc phụ thuộc vào nước ngoài, giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm. Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng cho rằng không chỉ với Cần Thơ, với đồng bằng sông Cửu Long hay các vùng trọng điểm khác trên cả nước, cần nghiên cứu và có chính sách hình thành trung tâm này, đồng thời có chính sách cho các doanh nghiệp tham gia vào các loại hình chế biến và tiêu thụ sản phẩm./.

Nguyễn Hùng