ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH PHƯỚC: CẦN PHÂN TÍCH RÕ LÝ DO KHÔNG THỰC HIỆN ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ

06/01/2022

Trong phiên thảo luận sáng và chiều 06/01, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước đã có nhiều ý kiến đóng góp vào các nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Điện lực; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

 

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận tại điểm cầu Bình Phước.

Đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực từ điểm cầu Bình Phước, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết, trong thực tiễn tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo ngày càng lớn trong tổng công suất nguồn nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số vùng phụ tải thấp. Trong khi đó, Luật Điện lực 2004 quy định nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện nhưng lại chưa quy định cụ thể. Bất cập này dẫn đến tình trạng đầu tư lưới điện truyền tải chưa đáp ứng kịp với phát triển nguồn điện và nhu cầu sử dụng điện trong thời gian qua. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 5 của dự thảo Luật Điện lực để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút, xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu thực tiễn rất cần thiết.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cơ bản tán thành với quan điểm sửa đổi, bổ sung Điều liên quan đến truyền tải điện trong Luật Điện lực. Tuy nhiên việc sửa đổi, bổ sung luật phải bảo đảm chặt chẽ, thống nhất với các quy định liên quan. Theo đại biểu, vấn đề quản lý, vận hành lưới điện truyền tải quy định như dự thảo luật chưa thật sự chặt chẽ vì lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng nhưng có vai trò quan trọng đối với an toàn hệ thống điện quốc gia thì Nhà nước cần vận hành; quy định của dự thảo luật cũng chưa thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để bảo đảm việc kiểm soát của Nhà nước đối với hệ thống truyền tải điện.  

Để bảo đảm yếu tố “độc lập” trong vận hành lưới điện truyền tải “dưới sự kiểm soát của Nhà nước”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về: Phạm vi giao cho tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý vận hành lưới điện truyền tải; quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện thuộc khu vực tư nhân. Đánh giá kỹ tác động, dự kiến các tình huống, sự cố có thể xảy ra và trách nhiệm, biện pháp của Nhà nước trong việc kiểm soát hệ thống truyền tải điện quốc gia. Kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vận hành lưới điện; chính sách giá điện và các loại phí liên quan đến truyền tải điện để bảo đảm công khai, minh bạch; công tác kiểm tra, giám sát; an ninh hệ thống truyền tải điện cần quy định cụ thể và phù hợp hơn.

Đóng góp ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đại biểu Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc chuẩn bị hồ sơ chưa kỹ, còn không ít những băn khoăn.

Theo đại biểu Phan Viết Lượng, nội dung này đặc biệt quan trọng, cần thiết phải có tiếng nói của bộ quản lý chuyên ngành. Trong báo cáo đánh giá tác động chỉ nêu 3 tỉnh đề nghị sửa đổi vì khó khăn. Trong khi đó, các ban quản lý các di tích đặc biệt, di tích quốc gia, các tỉnh thành có các di sản thuộc danh mục di sản thế giới như Huế, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Nam không có ý kiến. 

Về nội dung sửa đổi có 2 nội dung, đó là phân cấp xây dựng nhà ở có quy mô diện tích hoặc là quy mô dân số. Đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng, điều chỉnh về quy mô diện tích cũng như quy mô dân số so về luật cũ với luật mới là sự chênh lệch khá lớn. Từ 100 ha lên đến 300 ha, với một khoảng cách lớn như vậy mà đánh giá tác động không kỹ thì rất băn khoăn, đề nghị phải có đánh giá tác động kỹ hơn. Việc phân cấp cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án nhà ở mà không phân biệt quy mô diện tích, dân số trong khu vực II của di tích sẽ không đảm bảo tính khả thi, cần phải rà soát lại.

Đóng góp ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị cần phân tích rõ lý do không thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mà phải chuyển sang đầu tư công.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung đề xuất thêm chính sách phát triển TP. Cần Thơ.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, đại biểu Huỳnh Thành Chung cho rằng, việc có một cơ chế đặc thù để tạo đà, tạo động lực cho Cần Thơ phát triển và lan tỏa ra toàn vùng là điều hết sức cần thiết. 

Tuy nhiên, để nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả thì Chính phủ cần quan tâm thêm các chính sách để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, kết nối ngoại vùng. Vì nếu Cần Thơ không có hệ thống giao thông kết nối và các vấn đề liên quan tới hệ sinh thái của đồng bằng sông Cửu Long thì cũng sẽ không phát huy toàn bộ hiệu quả./.

(Theo Báo điện tử Bình Phước)