CẦN CHÍNH SÁCH ĐỦ MẠNH ĐỂ TP. CẦN THƠ TRỞ THÀNH TRUNG TÂM HẠT NHÂN CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

07/01/2022

Chiều ngày 7/01, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Toàn cảnh phiên họp

Theo Nghị quyết này, Thành phố Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Cùng đó, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.

Đáng chú ý, Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố..

Cần cơ chế, chính sách đủ mạnh

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội ủng hộ và tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 59) về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới. Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Các đại biểu nhấn mạnh, thành phố Cần Thơ từ xưa đã được coi là vùng đất Tây đô, có nhiều lợi thế và là khu đô thị sầm uất từ thời Pháp thuộc. Đến nay Cần Thơ vẫn tiếp tục là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hiện tại sự phát triển của thành phố Cần Thơ chưa tương xứng với tiềm năng vốn có; chưa đạt được kỳ vọng và mục tiêu phát triển đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp; phát triển ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành và chưa xây dựng được các khu liên kết sản xuất của Vùng. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn bất cập, thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển của thành phố Cần Thơ và Vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Do vậy, để thành phố Cần thơ phát triển hơn nữa, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, chúng ta cần có những chính sách về đầu tư, tài chính, ngân sách, phân cấp quản lý…đủ mạnh để tạo ra động lực mới giúp thành phố Cần Thơ chuyển mình phát triển đột phá, trở thành trung tâm dịch vụ lớn, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, từng bước khẳng định vai trò trung tâm hạt nhân của Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phải đánh giá đầy đủ tác động môi trường

Đa số ý kiến cũng đồng ý với việc cho phép Cần Thơ áp dụng 8 nhóm chính sách đặc thù về: Quản lý tài chính – ngân sách nhà nước; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; quản lý đất đai; điều chỉnh quy hoạch… Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ là một trong nhiều cơ chính sách được các đại biểu Quốc hội quan tâm, ủng hộ và thảo luận tại phiên họp. Theo đó, các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của thành phố Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng các hình thức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, gia hạn tiền thuê đất. Các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết có chính sách khuyến khích xã hội hóa nguồn lực trong thực hiện các dự án nạo vét luồng hàng hải nhằm thể chế hóa Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, phát huy lợi thế đặc thù của Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long, hạn chế bồi lắng ảnh hưởng lưu thông hàng hải; khắc phục khó khăn trong thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước và chi phí logistic, phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt hàng nông sản, phát huy thế mạnh của Cảng Cái Cui, tạo bước phát triển kinh tế cho Cần Thơ và khu vực.

Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang- Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng phát biểu

Tuy nhiên, để bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả, trước khi triển khai các dự án cụ thể, các đại biểu để nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt cần đánh giá đầy đủ tác động môi trường; chế độ dòng chảy, bồi lắng trầm tích, địa hình đáy sông, sự tương tác giữa các yếu tố tác động thủy động lực học có thể dẫn đến gia tăng tình trạng xói mòn, sạt lở, bồi lắng bùn cát… nhất là khi Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, trong đó có thành phố Cần Thơ; đề xuất giải pháp khắc phục tối đa tác động tiêu cực môi trường đối với luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời, định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong tổ chức thực hiện.

Quan tâm về nội dung này, đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang- Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Thông tư để quy định, quản lý chặt chẽ hơn trong việc áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, tránh các kẽ hở cho việc khai thác cát trái phép quá độ sâu cho phép trong quá trình thi công để hạn chế tác động xấu tới môi trường.

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nhấn mạnh, quá trình thực hiện dự án cần có biện pháp quản lý cũng như kỹ thuật công nghệ với kế hoạch tổng thể, dài hạn trong mối quan hệ tương quan. Việc nạo vét cần hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, đa dạng sinh học, gây sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là vấn đề sinh kế của người dân hay giao thông đường thủy…. 

Cùng mối quan tâm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cũng đề nghị cần đánh giá đầy đủ tác động môi trường. Đại biểu cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần đánh giá hiệu quả kinh tế để kết hợp sử dụng luồng hàng hải của vùng một cách hiệu quả nhất, kết hợp các phương thức giao thông như đường bộ, đường thủy trong vận chuyển hàng hóa tiêu thụ và xuất khẩu chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long (gạo, trái cây, thủy sản nuôi trồng…). Đại biểu cho rằng, việc sớm triển khai dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải lớn từ 10.000 tấn ra, vào các cảng của Cần Thơ sẽ thúc đẩy nhanh việc phát huy công suất các cảng theo Quy hoạch đã phê duyệt, góp phần bảo đảm chất lượng logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp định hướng phát triển trên cơ sở thực trạng điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng, phù hợp với với nguyên tắc thuận thiên để phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy  vậy, đại biểu đề nghị các bộ, địa phương trong triển khai một vấn đề lớn như nghiên cứu tổng thể, đánh giá hiệu quả đầu tư, kinh tế – xã hội, môi trường gắn với quy hoạch phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, hoạt động nạo vét, thu hồi sản phẩm, xử lý vật chất nạo vét cần được thực hiện theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần kiểm tra thường xuyên đối với hoạt động nạo vét, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ nhằm xử lý kịp thời các tác động tiêu cực của dự án nạo vét đối với hoạt động hàng hải, cộng đồng dân cư và môi trường tự nhiên…

Đảm bảo minh bạch, công bằng trong thu hút đầu tư

Liên quan đến nội dung xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ quy định tại Điều 8 của dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cho rằng việc thành lập Trung tâm và các nội dung ưu đãi phù hợp với tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị; tạo cơ chế hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh của khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với đặc thù của Cần Thơ và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập để thu hút các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra, vào Trung tâm khi đáp ứng đủ các điều kiện.

Để tăng tính khả thi khi xây dựng Trung tâm này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá và báo cáo thuyết minh thêm để làm căn cứ xây dựng, vận hành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ trước khi quyết định thành lập; phân tích các tiêu chí ưu đãi đặc thù; tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đầu tư để đảm bảo minh bạch, công bằng trong thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà sản xuất thúc đẩy, tham gia những khâu ngoài sản xuất, làm cầu nối để doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, chia sẻ thông tin, triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo lồng ghép linh hoạt, khoa học các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ gắn với kích hoạt các nguồn lực đầu tư, phát triển bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát huy hiệu quả kết nối liên vùng trong vận hành, khai thác công năng khu liên kết…

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo đó, Bộ trưởng khẳng định, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng có ý nghĩa với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ những cơ chế, chính sách ưu đãi này có thể tạo nên các cực tăng trưởng, kích hoạt các vùng phát triển – là tinh thần được nêu tại Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, các chính sách được xây dựng phù hợp với Quy hoạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Chính phủ chuẩn bị xem xét thông qua, bảo đảm sẽ thuận thiên và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, khuyến khích các hình thức xã hội hóa. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên họp

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội sẽ được tổng hợp đẩy đủ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến đại biểu  để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

Thu Phương- Nghĩa Đức

Các bài viết khác