CẦN SỬA ĐỔI LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH NĂM 2009 ĐỂ GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁT SINH TRONG THỰC TIỄN

26/01/2022

Tại cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Xã hội về tiến độ xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa qua, đại diện Bộ Y tế cho biết, nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, do đó cần sửa đổi Luật này để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

 

Toàn cảnh cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Xã hội với Bộ Y tế

Theo đại diện Bộ Y tế, Ngày 23/11/2009, Quốc hội đã thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh. Luật ra đời đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; góp phần chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân, bảo đảm người dân được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở đủ điều kiện; từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tạo hành lang pháp lý để y học Việt Nam đã tiếp cận được với các kỹ thuật mới, phương pháp mới, kỹ thuật y khoa tiên tiến…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề

Đối với nội dung về quản lý người hành nghề, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định cấp chứng chỉ hành nghề theo đối tượng và văn bằng chuyên môn. Việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề theo đối tượng và văn bằng chuyên môn gây khó khăn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế vì trên thực tế không có sự thống nhất giữa cách ghi ngành đào tạo trong văn bằng chuyên môn, một số văn bằng chuyên môn ghi ngành đào tạo không có trong đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật nhưng vẫn đang làm việc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và là đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề, ví dụ: cử nhân sinh học làm kỹ thuật viên xét nghiệm. Một số đối tượng, chức danh chuyên môn làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc làm công việc chuyên môn tham gia trực tiếp vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, ví dụ như cấp cứu viên ngoại viện, cử nhân tâm lý trị liệu. Một số đối tượng hiện nay có trình độ đào tạo không còn phù hợp trong hệ thống chức danh nghề nghiệp y tế như đối tượng y sỹ... 

Về thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ hành nghề có giá trị vĩnh viễn. Việc quy định như trên gây khó khăn trong việc theo dõi, giám sát quản lý chất lượng hành nghề khi chuẩn hóa các điều kiện chuyên môn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục và quá trình hành nghề của người hành nghề. Bên cạnh đó, quy định này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế (các nước trên thế giới đều quy định giấy phép hành nghề có thời hạn) gây khó khăn cho việc hội nhập của y tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về khám bệnh, chữa bệnh.

Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên văn bằng chuyên môn của người đề nghị cấp nên không đánh giá được thực chất năng lực người hành nghề, chất lượng đào tạo. Đa số các nước trên thế giới đều cấp giấy phép hành nghề dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn báo cáo một số nội dung tại buổi làm việc

Việc sử dụng ngôn ngữ của người hành nghề là người nước ngoài trong đó cho phép người nước ngoài sử dụng phiên dịch còn nhiều bất cập như: Hạn chế trong việc khai thác tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe, các dấu hiệu lâm sàng, việc ghi chép hồ sơ bệnh án, kê đơn … do tình trạng người phiên dịch không đủ năng lực để thực hiện việc phiên dịch; tình trạng người phiên dịch không làm việc sau khi người nước ngoài đã được cấp chứng chỉ hành nghề; tình trạng người phiên dịch lợi dụng vị trí để hành nghề trái phép. Bên cạnh đó, việc sử dụng người hành nghề cũng tạo ra bất cập trong việc xác định trách nhiệm pháp lý khi xảy ra sự cố y khoa do khó có thể xác định nguyên nhân gây ra sự cố do chỉ định của người hành nghề hay lỗi tại người phiên dịch...

Một số nội dung của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 chưa phù hợp với thực tiễn

Đối với nội dung quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, về hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định cụ thể một số hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa bao quát hết các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tồn tại trong thực tế hoặc mới phát sinh.

Về nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng nhưng không bắt buộc, việc đánh giá chất lượng được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nên chưa bảo đảm tính độc lập, khách quan trong đánh giá, gây gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với một số nội dung liên quan đến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh như: khám bệnh, chữa bệnh từ xa; điều trị nội trú ban ngày; phục hồi chức năng; khám sức khỏe; chăm sóc người bệnh; dinh dưỡng lâm sàng; sử dụng sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng; phòng ngừa sự cố y khoa ... chưa được quy định trong Luật nên chưa có cơ sở pháp lý để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức triển khai thực hiện.

Đối với nội dung các điều kiện bảo đảm cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có 04 tuyến gắn với tuyến hành chính và phân hạng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Tuy nhiên, Luật bảo hiểm y tế lại quy định phân tuyến dựa vào phân hạng bệnh viện để xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…Vì vậy, trong quá trình hướng dẫn, tổ chức thực hiện đã phát sinh nhiều mâu thuẫn và bất cập.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, pháp luật hiện hành quy định nhiều loại giá với thẩm quyền quyết định khác nhau. Các quy định này dẫn đến tình trạng cùng một dịch vụ kỹ thuật, cùng có chung cơ cấu giá nhưng lại có nhiều mức giá khác nhau, phát sinh thêm thủ tục phê duyệt giá ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do mức giá được phê duyệt có nhiều trường hợp không phản ánh đúng chi phí thực tế mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện hoặc do theo quy định của pháp luật về giá thì khi phê duyệt giá phải dựa vào định mức kinh tế - kỹ thuật nhưng trên thực tế các đơn vị địa phương gần như không thể xây dựng được định mức này dù Bộ Y tế đã ban hành định mức của khung giá nên dẫn đến thủ tục phê duyệt giá bị kéo dài.

Về bảo đảm an ninh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Vấn đề an ninh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới được tiếp cận dưới góc độ quy định các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề, quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa có quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm an ninh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác như các biện pháp tổ chức bảo đảm an ninh chung, sự tham gia của lực lượng công an trong bảo đảm an ninh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hay vấn đề kinh phí bảo đảm cho hoạt động này. Mặc dù trong những năm qua ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh bệnh viện, bảo đảm an toàn cho người hành nghề như việc ký kết Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế, Quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý khám, chữa bệnh với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an ngày 23/01/2019 hay việc tổ chức các diễn đàn, chương trình truyền thông về bảo đảm an ninh bệnh viện vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, một số quy định về thẩm quyền, thủ tục hành chính như các quy định liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, thủ tục cấp phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo... không còn phù hợp với thực tiễn.

Từ phân tích trên, Bộ Y tế nêu rõ, cần thiết xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý Nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh./.

Hồ Hương