CHÚ TRỌNG TIẾP CÔNG DÂN, GIÁM SÁT GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

23/02/2022

Chia sẻ một số kinh nghiệm hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương cho biết, công tác giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân đã được HĐND tỉnh Hải Dương triển khai, thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng như thông qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị chịu giám sát; triển khai giám sát chuyên đề; thẩm tra báo cáo và lồng ghép trong các đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của các địa phương, đơn vị; qua hoạt động tiếp xúc cử tri và hoạt động xử lý đơn thư .

Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn

Hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của HĐND, đại biểu HĐND các cấp nói chung và HĐND tỉnh nói riêng; đồng thời đó cũng là cầu nối giúp đại biểu dân cử lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo là một kênh thông tin khách quan phản ánh việc thực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội và mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước nói chung và với các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử nói riêng.

Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022 khu vực miền Bắc 

Nhận thức rõ vai trò quan trọng về trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quy chế Tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó nổi bật là tăng cường trách nhiệm của các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh tiếp công dân tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, nơi đại biểu ứng cử theo định kỳ 01 lần/tháng.

Việc tiếp nhận đơn thư được thực hiện dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân như: gửi đến cơ quan HĐND tỉnh; qua hoạt động tiếp công dân định kỳ, qua tiếp xúc cử tri; qua hòm thư điện tử và trang thông tin điện tử của HĐND tỉnh… Các ý kiến, kiến nghị của công dân được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo tổng hợp, chuyển đến UBND tỉnh, các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đã góp phần giảm thiểu tình trạng gửi đơn vượt cấp và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Trong năm 2021, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp 109 lượt công dân đến kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh, trong đó có 13 đoàn đông người. Ngoài ra, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp công dân tại các địa phương nơi đại biểu ứng cử theo sự phân công của Tổ trưởng Tổ đại biểu. HĐND tỉnh tiếp nhận, phân loại và xử lý 49 đơn (gồm 04 đơn khiếu nại, 16 đơn tố cáo và 29 đơn kiến nghị, phản ánh). Nội dung đơn chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, giải quyết chế độ, chính sách, thực trạng ô nhiễm môi trường... Qua xem xét, phân loại đơn theo thẩm quyền, Thường trực HĐND tỉnh đã hướng dẫn công dân và thực hiện chuyển 100% đơn đủ điều kiện đến các cơ quan chức năng để giải quyết; lưu hồ sơ các đơn do có nội dung trùng lặp, đơn nặc danh, đơn đã có ý kiến trả lời của các cơ quan chức năng. Đồng thời, ban hành văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị chậm trả lời theo quy định.

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, do phải tạm hoãn lịch tiếp công dân để phòng chống, dịch, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của công dân gửi đến qua đường công văn và trực tuyến. Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, kể từ tháng 11/2021, hoạt động tiếp công dân của HĐND tỉnh được tổ chức vừa đảm bảo quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, vừa đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế và của tỉnh.

Đa dạng hình thức giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân

Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của HĐND các cấp, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về việc đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hải Dương, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong đó, trọng tâm là tăng cường các giải pháp đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri theo lĩnh vực, đối thoại trực tiếp với nhân dân và người lao động..., đảm bảo các vấn đề đã được tiếp thu, cần theo dõi, giám sát tới cùng việc giải quyết của các cơ quan hữu quan, góp phần đảm bảo lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII (kỳ họp chuyên đề)

Công tác giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân đã được HĐND tỉnh Hải Dương triển khai, thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, có hiệu quả. Thông qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị chịu giám sát, Đoàn giám sát lựa chọn các đơn vị có những vấn đề cử tri quan tâm hoặc còn vướng mắc trong quá trình thực hiện để giám sát trực tiếp. Thường trực HĐND tỉnh đã triển khai 01 cuộc giám sát chuyên đề về “Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, sở, ngành, địa phương trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”. Qua giám sát đã đánh giá tình hình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm rõ những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện và đưa ra những kiến nghị, đề xuất với các cấp, các ngành nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền các cấp.

Qua thẩm tra báo cáo về tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thường kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã lựa chọn, giám sát trực tiếp với một số vụ việc còn có vướng mắc, kéo dài. Qua giám sát, Đoàn giám sát đã kiến nghị các giải pháp để xem xét giải quyết cho công dân theo hướng phù hợp nhất và nâng cao nhận thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho công dân.

Bên cạnh đó, việc giám sát giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo được lồng ghép trong các đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của các địa phương, đơn vị; qua hoạt động tiếp xúc cử tri và hoạt động xử lý đơn thư của công dân gửi đến HĐND tỉnh.

Một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tiếp công dân

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực song thực tế, hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là:

- Hoạt động tiếp công dân ở một số đơn vị cấp xã còn chưa được quan tâm đúng mức, có nơi còn thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến người dân bức xúc gửi đơn vượt cấp và đến Trụ sở Tiếp công dân tỉnh để kiến nghị, phản ánh.

- Công tác phối hợp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số đơn vị, địa phương còn hạn chế nên còn một số vụ việc tồn đọng, kéo dài.

- Một bộ phận công dân chưa có ý thức chấp hành pháp luật, mặc dù đã được phân tích, giải thích và đã được các cơ quan Nhà nước giải quyết đúng pháp luật, nhưng vẫn cho rằng giải quyết chưa đúng, quyền lợi bị thiệt thòi, nên tiếp tục khiếu nại, yêu cầu, kiến nghị, phản ánh không có căn cứ.

- Việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân của một số đại biểu còn hạn chế; công tác giám sát, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chủ yếu do đại biểu hoạt động chuyên trách thực hiện nhưng cũng chưa thường xuyên và hiệu quả chưa được như mong muốn.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu

Từ thực tiễn của địa phương, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND, phát huy vai trò của Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của HĐND tỉnh.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, trao đổi, rút kinh nghiệm để giúp đại biểu HĐND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đưa công tác tiếp công dân của HĐND, đại biểu HĐND đi vào nề nếp, hiệu quả.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đổi mới hình thức tiếp công dân, ứng dụng công nghệ thông tin, công bố và duy trì hoạt động của đường dây nóng, đối thoại trực tiếp qua các kênh truyền hình, qua báo chí hoặc công khai số điện thoại của người có trách nhiệm để thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, các tổ chức, đơn vị liên quan trong việc cung cấp thông tin.

Thứ tư, tập trung giám sát những vấn đề, lĩnh vực có nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo như: công tác quản lý nhà nước về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng các công trình, dự án; chế độ, chính sách đối với người có công, chế độ chính sách xã hội,… Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, giải quyết triệt để các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Thứ năm, bố trí đủ số lượng và lựa chọn cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thực tế làm công tác tham mưu, phục vụ Thường trực HĐND và đại biểu HĐND trong hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư; đồng thời quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ tiếp công dân.

Bảo Yến