CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ DỰ BUỔI LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH VỚI TP.HỒ CHÍ MINH, BÌNH DƯƠNG, ĐỒNG NAI

09/03/2022

Tiếp tục chương trình làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với các địa phương, chiều 09/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự buổi làm việc của Đoàn giám sát với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

 

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó trưởng Đoàn giám sát; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu.

Về phía cơ quan báo cáo có Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cùng đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/ thành phố, các khách mời, chuyên gia, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận, về mặt hồ sơ, tài liệu, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương đã gửi khá đúng hạn, nội dung đầy đủ, bám sát kế hoạch, đề cương Đoàn giám sát yêu cầu. Tuy nhiên, qua báo cáo của 03 địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận thấy còn nhiều vấn đề phải làm rõ như: Việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Thành phố, quy hoạch 2 tỉnh thời kỳ 2021-2030 hiện nay đều rất chậm, Thành phố Hồ chí Minh chưa được phê duyệt nhiệm vụ lập qui hoạch; tỉnh Bình Dương chưa lựa chọn được tư vấn lập qui hoạch; tỉnh Đồng Nai đang triển khai lập. Đối với lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn: Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều nội dung chưa hoàn thành (đang rà soát để lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung; quy hoạch chung của Thành phố Thủ Đức mới phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch xây dựng nông thôn mới chưa hoàn thành; các quy hoạch khác mới hoàn thành định hướng); tỉnh Đồng Nai báo cáo đã hoàn thành các quy hoạch xây dựng trọng tâm, các quy hoạch khác chưa báo cáo rõ kết quả, tiến độ…; tỉnh Bình Dương báo cáo còn chung chung, chưa cụ thể nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự buổi làm việc của Đoàn giám sát 

Phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030: Thành phố Hồ chí Minh chưa báo cáo cụ thể nội dung này; Đồng Nai, Bình Dương báo cáo còn chung chung, chưa nêu kết quả đạt được, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm, qua làm việc với các bộ đây là nội dung còn nhiều bất cập. Vấn đề lập thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai chưa báo cáo; Bình Dương báo cáo nhưng còn chung chung, chưa cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị có báo cáo rõ thêm vấn đề tích hợp các quy hoạch vào quy hoạch Thành phố (tỉnh) và điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2021. Thành phố Hồ Chí Minh chưa báo cáo về lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030; trong khi đó nội dung này thì tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã lập xong quy hoạch sử dụng đất cho các huyện (Đồng Nai 11/11 huyện; Bình Dương 9/9 huyện) đang hoàn thiện để thông qua Hội đồng nhân dân và trình Ủy ban nhân dân phê duyệt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi giám sát

 

Ngoài quy hoạch chung, khó khăn, vướng mắc, các giải pháp, kiến nghị đối với từng loại như quy hoạch phân khu đô thị trung tâm, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ của Thành phố Hồ Chí Minh; quy hoạch xây dựng vùng huyện của cả 3 địa phương và các quy hoạch khác đang chậm cũng cần tập trung thảo luận để làm rõ thêm. Đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo cụ thể hơn việc trùng lặp giữa quy hoạch chung đô thị của Thành phố lập theo Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch Thành phố lập theo Luật Quy hoạch; đề xuất giải pháp xử lý và nêu rõ có cần phải sửa hệ thống pháp luật không, nếu sửa thì sửa Luật nào, sửa như thế nào. 

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị làm rõ thêm vấn đề nữa là lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, việc quy hoạch vùng huyện, liên huyện, trung tâm xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn… của các địa phương hiện trạng như thế nào? Dự kiến kết quả có thể đạt được đến cuối năm 2022 ra sao?

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu các vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, đề nghị các địa phương làm rõ

Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong việc tổ chức lập quy hoạch; khối lượng công việc đã thực hiện tương đối nhiều trước những khó khăn, thách thức lớn như dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 4/2021 và tiếp tục kéo dài đến nay, nhiều hoạt động bị đình trệ, phương pháp và cách thức tiếp cận quy hoạch mới, chính sách pháp luật về quy hoạch cũng còn những hạn chế nhất định. Các địa phương đã có nhiều cố gắng để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên việc lập quy hoạch của cả 3 địa phương đều chậm, cần có giải pháp khắc phục.

Thảo luận tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng đề nghị các địa phương làm rõ tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, xem xét có cần sửa đổi Luật Quy hoạch hay sửa đổi các luật khác phù hợp để phụ hợp với Luật Quy hoạch; vấn đề sử dụng tư vấn nước ngoài trong quá trình thực hiện quy hoạch, vấn đề tích hợp quy hoạch; việc bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm và giải pháp quản lý thay thế; quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. Đoàn giám sát cũng đặt vấn đề có nên coi lập quy hoạch như một dự án đầu tư công và sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện. 

Đoàn giám sát nhấn mạnh, qua giám sát cần lý giải được nguyên nhân của Luật chậm đi vào cuộc sống để từ đó có đề xuất điều chỉnh hợp lý; đồng thời đánh giá tình hình để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả của quy hoạch.

Trên cơ sở  làm việc với các bộ là cơ quan quản lý nhà nước, việc làm việc với các địa phương là nơi trực tiếp tổ chức thực thi chính sách đã cho thấy thêm những bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật quy hoạch như một số qui định còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất; các văn bản hướng dẫn luật ban hành chậm hoặc thiếu; nhiều nội dung cần làm rõ, hướng dẫn cụ thể hơn. Đây là căn cứ quan trọng để Đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo./.

Bảo Yến - Minh Thành

Các bài viết khác