ĐBQH NGUYỄN THỊ KIM ANH: PHIÊN CHẤT VẤN ĐẦU TIÊN CỦA UBTVQH ĐÁP ỨNG SỰ MONG ĐỢI CỦA CỬ TRI CẢ NƯỚC

15/03/2022

Khẳng định Phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV với các nhóm vấn đề được lựa chọn rất trúng, mang tính thời sự cao, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng thành công của Phiên chất vấn sẽ đáp ứng được mong đợi của cử tri cả nước.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc về công tác chuẩn bị cho Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 16/3 sẽ diễn ra Phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV. Trong Phiên chất vấn lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 02 nhóm vấn đề chất vấn.

Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực công thương gồm: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn thứ hai thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường gồm: Việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị;  Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này; Việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp. Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng Phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV với những vấn đề nóng, tính thời sự cao sẽ được cử tri cả nước quan tâm, mong đợi. Qua chất vấn sẽ giúp các Tư lệnh ngành thấy rõ trách nhiệm của mình, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc; đồng thời giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về các chất vấn sẽ rất đúng và trúng, giải quyết các tồn đọng, phát sinh trong các lĩnh vực của cuộc sống, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri cả nước.

Phóng viên: Thưa đại biểu, ngày 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bước vào Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với hai lĩnh vực công thương và tài nguyên, môi trường. Đây là Phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Đại biểu có chia sẻ gì về sự kiện này?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Khi nhận được Chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi thấy rất ấn tượng. Đây là cơ hội không chỉ cho các đại biểu Quốc hội ở Trung ương mà còn cho tất cả các đại biểu Quốc hội ở địa phương thực hiện chất vấn đối với các Tư lệnh ngành. Hoạt động chất vấn là một trong những hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, là công cụ hữu hiệu để giúp hoạt động của Chính phủ được tốt hơn. Thông qua hoạt động giám sát, các Tư lệnh ngành cũng sẽ biết được các vấn đề còn tồn tại trong công việc của mình, để từ đó có giải pháp, thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện triển khai các công việc đó trong giai đoạn tiếp theo.

Trong quá trình chất vấn, các đại biểu Quốc hội từ các địa phương sẽ có cái nhìn toàn diện hơn nữa về các vấn đề trong thực tiễn. Lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn 02 nội dung rất trúng, là vấn đề nóng, được nhiều cử tri quan tâm, như vấn đề về xăng dầu, vấn đề đất đai, xuất nhập khẩu, lưu thông nông sản, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải y tế, việc phòng chống dịch COVID-19… Việc chất vấn sẽ giúp Quốc hội nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác, giúp các Tư lệnh ngành hiểu được trách nhiệm của mình và có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vướng mắc, tồn tại.

Do thời gian hạn hẹp chỉ kéo dài 01 ngày, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ chọn 02 Tư lệnh ngành để tiến hành chất vấn. Tuy nhiên, tại Phiên chất vấn cũng có sự tham gia giải trình của các Bộ, ngành liên quan, thành viên Chính phủ. Trong thời gian tới, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, không chỉ chất vấn trong Kỳ họp Quốc hội, mà mở rộng hoạt động chất vấn ra ở các Phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phóng viên: Thưa đại biểu, trong các nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, đại biểu quan tâm nhất đến nhóm vấn đề nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Các vấn đề đặt ra tại Phiên chất vấn này đều là những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn lựa rất kỹ lưỡng, đều là những vấn đề trọng yếu được xã hội hết sức quan tâm. Bản thân tôi quan tâm nhiều đến vấn đề rác thải sinh hoạt. Đây là một trong những vấn đề đã được đặt ra trong Luật Bảo vệ môi trường và các Luật có liên quan. Cần thể hiện rõ trách nhiệm của các nhà quản lý, doanh nghiệp, trách nhiệm của người dân, của toàn xã hội trong việc thực hiện có hiệu quả luật này.

Theo tôi, nhiều vấn đề liên quan đến rác thải rắn sinh hoạt cần quan tâm như phân loại tại nguồn, công nghệ xử lý chất thải, việc đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải, công tác tuyên truyền về nhận thức của nhà quản lý, doanh nghiệp, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường… Khi thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường với nội dung liên quan đến rác thải sinh hoạt, mới có thể đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành, đảm bảo sức khỏe. Thực tế, thời gian vừa qua, mặc dù Chính phủ, các cơ quan đã tổ chức, thực hiện nhiều giải pháp, nhưng rác thải sinh hoạt vẫn chưa được thu gom đầy đủ, việc xử lý rác thải bằng hình thức đốt vẫn còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, việc phân loại rác thải vẫn rất cần được thực hiện và đây là trách nhiệm của từng người dân. Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, có ý thức chấp hành để phân loại rác thải ngay từ nguồn, để việc quản lý rác thải dễ dàng hơn, thuận lợi hơn, tiết kiệm chi phí hơn và bảo vệ tốt hơn cho môi trường sống.

Bên cạnh đó, trong xử lý rác thải, một trong những vấn đề tiết kiệm chi phí cho người dân, cho xã hội là việc sử dụng rác thải theo hướng kinh tế tuần hoàn. Rác thải trong chăn nuôi có thể dùng cho việc trồng trọt để không gây hại môi trường, người nông dân sử dụng nguồn rác đó để nâng cao hiệu quả trong hoạt động trồng trọt, như vậy sẽ cắt giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân. Ở đây, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc đưa ra các giải pháp, nghiên cứu các công nghệ để biến sản phẩm đầu ra của ngành này thành sản phẩm đầu vào của ngành khác, qua đó tạo ra vòng tuần hoàn, từ đó giúp kinh tế phát triển, tiết giảm được chi phí, đảm bảo giảm thiểu việc thất thoát không đáng có, thực hiện tốt tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường.

Phóng viên: Khẳng định ý nghĩa quan trọng Phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, đại biểu có kỳ vọng/ suy nghĩ như thế nào vào thành công của Phiên chất vấn này?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Như tôi đã phân tích ở trên, Phiên chất vấn diễn ra lần này với chủ đề rất nóng, cử tri và xã hội rất quan tâm. Tại Phiên chất vấn, không chỉ các Tư lệnh ngành mà các thành viên Chính phủ sẽ tham gia giải trình các vấn đề về đất đai, môi trường, xăng dầu, lưu thông hàng hóa, xử lý rác thải… Qua đó các Bộ, ngành và thành viên Chính phủ sẽ kịp thời điều chỉnh các vấn đề đang còn tồn tại, hạn chế, các vấn đề mà cử tri bức xúc; đưa các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý.

Đối với lĩnh vực công thương, hi vọng rằng Tư lệnh ngành và các thành viên Chính phủ sẽ có những giải trình hợp lý và đề xuất giải pháp hữu hiệu về tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, sẽ có các giải pháp cụ thể, khả thi về thực hiện công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; ngăn chặn tình trạng lợi dụng đấu giá đất nhằm mục đích trục lợi cá nhân; kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; xử lý vấn đề ô nhiễm nước thải, chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19…

Với tinh thần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tôi kỳ vọng rằng Phiên chất vấn sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, đáp ứng được mong đợi của cử tri cả nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ĐẠi biểu!

Hồ Hương- Nghĩa Đức