Tiết kiệm, chống lãng phí trên nhiều nội dung
Tại cuộc làm việc, qua báo cáo của UBND huyện Yên Thành cho thấy, trong giai đoạn 2016-2021, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được địa phương quán triệt và triển khai thực hiện.
Kết quả trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách, tài sản, phương tiện, trang thiết bị được thực hiện theo đúng quy định, tiêu chuẩn, định mức. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động cắt giảm các hoạt động không cần thiết; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý văn bản, điều hành công vụ; chủ động phân bổ sử dụng tài chính, lao động, tài sản hợp lý, phù hợp hơn với yêu cầu công việc nhờ đó kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành báo cáo với đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng trên địa bàn. Ảnh: Mai Hoa
Trong 3 năm 2019 - 2021, qua thẩm tra nghị quyết phân bổ dự toán thu - chi ngân sách 39 xã, thị trấn, huyện đã cắt giảm, góp phần tiết kiệm chi ngân sách hơn 30 tỷ đồng.
Trong lĩnh vục đầu tư công, huyện triển khai nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện đúng quy trình thủ tục đầu tư; phân bổ nguồn vốn đầu tư đúng mục đích, ưu tiên trả nợ công trình hoàn thành, dự án chuyển tiếp, các dự án phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện.
Tăng cường các biện pháp chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế; trong giai đoạn 2016-2021 đã thu nợ thuế được số tiền gần 36 tỷ đồng.
Việc thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, 40% học phí để làm nguồn cải cách tiền lương theo quy định, 1% chi thường xuyên làm nguồn thi đua khen thưởng theo quy định, trong giai đoạn 2016-2021, toàn huyện đã tiết kiệm được hơn 77 tỷ đồng.
Đại biểu Trần Nhật Minh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa
Huyện đã hoàn thành việc giao quyền tự chủ 129 đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần tinh giản biên chế, giảm gánh nặng chi thường xuyên cho ngân sách.
Huyện cũng quan tâm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động lập, thẩm định kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 (cấp tỉnh); lập, thẩm định, phê duyệt, giao, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; lập, thẩm định, triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Đồng chí Nguyễn Đức Thành - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, thành viên đoàn giám sát quan tâm đến tỷ lệ thực hiện các công trình, dự án có thu hồi đất. Ảnh: Mai Hoa
Trong giai đoạn 2016-2021, qua lập, thẩm định, phê duyệt 1.501 dự án đã cắt giảm được bình quân hơn 16,3 tỷ đồng/năm. Qua công tác đấu thầu hàng năm cắt giảm được bình quân 420 triệu đồng/năm. Qua thẩm tra, trình phê duyệt quyết toán 769 công trình đã cắt giảm gần 34 tỷ đồng, tỷ lệ cắt giảm chiếm 2,53% so với số chủ đầu tư đề nghị phê duyệt quyết toán.
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn NSNN các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ, lĩnh vực cụ thể cũng được huyện quan tâm thực hiện.
Đồng chí Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành giải trình, làm rõ các vấn đề đoàn giám sát nêu. Ảnh: Mai Hoa
Tiếp tục quan tâm tiết kiệm, chống lãng phí
Trên cơ sở báo cáo của UBND huyện, các thành viên đoàn giám sát đặt ra một số vấn đề băn khoăn. Đó là, giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn huyện triển khai đầu tư hàng nghìn dự án, vấn đề đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo phát triển.
Bên cạnh đó, làm rõ các dự án chậm tiến độ, kéo dài; các công trình, dự án có thu hồi đất nhưng chậm đầu tư; có hay không tình trạng “ôm” đất của chủ đầu tư.
Việc sử dụng các nguồn tiết kiệm trong điều hành ngân sách và chi thường xuyên, chi đầu tư như thế nào? Hiệu quả sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế?
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An kết luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa
Vấn đề cũng được đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An quan tâm, huyện Yên Thành là huyên trọng điểm về nông nghiệp, việc tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực này; việc thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, tránh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như thế nào? Hiệu quả sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đánh giá cao việc triển khai thực hiện các chủ trương, quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An khảo sát hiệu quả đầu tư dự án thủy lợi. Ảnh: Mai Hoa
Việc xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần gắn chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị và phân công nhiệm vụ cho cán bộ phụ trách; xác định trọng tâm, trọng điểm, định lượng những việc cần làm, tránh chung chung. Ví dụ như hội họp cắt giảm bao nhiêu phần trăm; cắt giảm khởi công, động thổ bao nhiêu phần trăm, trên cơ sở đó để đánh giá sát thực tế.
Tăng cường, tổ chức điều hành dự toán ngân sách, quản lý ngân sách và tài sản công hiệu quả; chú trọng quản lý, sử dụng nguồn huy động đóng góp của Nhân dân.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An khảo sát dự án nhà máy nước Thọ Thành. Ảnh: Mai Hoa
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng mong muốn huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, công chức, người lao động, các cơ quan, đơn vị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.
Chú trọng điều hành đầu tư các dự án, công trình có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Quan tâm quản lý cơ sở vật chất và đất đai các tổ chức sau sáp nhập, tránh tình trạng hoang hóa, lãng phí.
Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành...
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An khảo sát việc đầu tư xây dựng một số công trình, dự án trên địa bàn huyện. Ảnh: Mai Hoa