ỦY BAN TƯ PHÁP TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI HÀ NỘI VỀ CÔNG TÁC GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

19/03/2022

Vừa qua, thực hiện công tác trả lời đơn thư của cử tri với nội dung kiến nghị tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp đã có văn bản trả lời cử tri Hà Nội.

 

Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội khóa XV

Trước đó, Ủy ban Tư pháp đã nhận được kiến nghị của cử tri Hà Nội với nội dung đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, vai trò của người đứng đầu trong công tác cán bộ và bổ nhiệm cán bộ để phòng, chống tham nhũng.

Trả lời kiến nghị này, Ủy ban Tư pháp cho biết, thời gian qua, hoạt động giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng được tăng cường và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm; nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và ban hành, chú trọng việc cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là trách nhiệm nêu gương, công khai kết luận kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc tham nhũng, cải cách hành chính, xử lý trách nhiệm người đứng đầu... được triển khai quyết liệt. Công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực có tiêu cực, tham nhũng. Nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến cán bộ cấp cao, có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang... cũng đã được kịp thời phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong phòng, chống vẫn còn có hạn chế, chưa thật sự đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân; tình hình tham nhũng tuy đã tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm nhưng vẫn còn phức tạp, nhất là tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính và dịch vụ công. Một số tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị còn có sai phạm trong tổ chức tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức.

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp sẽ tham mưu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về công tác PCTN qua các hoạt động như: chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; theo dõi, đôn đốc việc xử lý các kiến nghị của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng; giám sát việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, bổ nhiệm cán bộ, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tập trung vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây./.

Minh Hùng