TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ, KIỂM TRA QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

19/03/2022

Phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 triển khai dự án đường Hồ Chí Minh, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng Chính phủ cần tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, phát hiện và xử lý trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện dự án.

Phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về triển khai dự án đường Hồ Chí Minh được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Chính phủ, Thường trực Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 từ năm 2004. Để phù hợp với điều thực tế và nguồn lực triển khai thực hiện, năm 2013 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13, trong đó điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Thời hạn hoàn thành nổi thông toàn tuyến đường hồ Chí Minh được lùi đến năm 2020. Theo các báo cáo của Chính phủ, đến nay việc thực hiện các Dự án thành phần quy định tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 đã bố trí vốn và triển khai thi công hoàn thành khoảng 2 362 km/2.744 km, đạt 86,1%; đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại khoảng 171 km cần tiếp tục đầu tư thực hiện.

Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với Bảo cáo của Chính phủ và cho rằng, thời gian qua, trong điều kiện nền kinh tế đất nước chịu sự tác động mạnh của suy thoái kinh tế thế giới và hai năm gần đây, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, Chính phủ đã có sự nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 2013/QH13 của Quốc hội và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Dự án vẫn còn một số hạn chế, tồn tại sau:

Một là, Chính phủ chưa bảo đảm phân bổ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2020 như yêu cầu của Nghị quyết số 66/2013/QH13; chưa đề xuất được các giải pháp khả thi để xử lý những vấn đề tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Dự án và chưa báo cáo kịp thời cơ quan có thẩm quyền để xem xét, có giải pháp tháo gỡ dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án.

Hai là, đến năm 2021 mới hoàn thành 86,1% tổng khối lượng của Dự án. Qua nghiên cứu cho thấy, từ năm 2015 đến nay, Dự án được triển khai rất chậm so với yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội. Theo đề xuất của Chính phủ thì phải đến 2025 mới hoàn thành và nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe. Theo yêu cầu tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội thì giai đoạn sau năm 2020, dự án đường Hồ Chí Minh phải được thực hiện nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Tuy nhiên, đến nay dự án sẽ phải kéo dài và chậm 05 năm so với yêu cầu về tiến độ, thời hạn hoàn thành dự án tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội.

Ba là, về nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, Uỷ ban Tư pháp cho rằng ngoài các nguyên nhân đã nêu trong báo cáo của Chính phủ thì có nguyên nhân chủ quan rất quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ công trình dự án đó là: việc nghiên cứu, dự báo, tính toán, xây dựng kế hoạch còn hạn chế, chưa đánh giá được hết các yếu tố ảnh hưởng tới việc huy động vốn, thứ tự ưu tiên đầu tư thay đổi do phát sinh các dự án cấp thiết hơn, dẫn tới không dù nguồn lực để thực hiện các dự án thành phần, phải điều chỉnh nhiều lần làm kéo dài thời gian thực hiện, chậm hoàn thành để khai thác toàn tuyến, gây lãng phí và giảm hiệu quả đầu tư. Đây là vấn đề cần lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện phần còn lại của dự án đường Hồ Chí Minh.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thường trực Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ để ra trong việc tiếp tục thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban cũng cho rằng, các giải pháp, cơ chế chính sách mà Chính phủ đề ra trong báo cáo còn rất chung chung, thiếu cụ thể. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, khả thi trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư và công tác triển khai thực hiện, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bố vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025;

Đồng thời, đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh ở giai đoạn trước; để bảo đảm chấp hành nghiêm các quy định của dự án, đề nghị Chính phủ bổ sung giải pháp tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình dự án; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện./.

Hồ Hương