HẠN CHẾ SỰ CHỒNG CHÉO, TRÙNG LẶP, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ

21/03/2022

Tham gia thẩm tra tại phiên họp của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 triển khai dự án đường Hồ Chí Minh, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, có giải pháp kết nối các biện pháp triển khai các Dự án hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về triển khai dự án đường Hồ Chí Minh và kế hoạch trong giai đoạn tiếp theo

Đối với nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 – 2025, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ câ4n nhắc nhiệm vụ triển khai đầu tư các đoạn đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông như. Bãi Vọt – Hàm Nghi (dài 36 km). Hàm Nghi - Vũng Áng (dài 54 km), Vũng Áng - Bùng (dài 58 km), Bùng - Cam Lộ (dài 119 km) để làm rõ mối quan hệ với các dự án được quy hoạch mạng lưới đường bộ theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/9/2021; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 theo Tờ trình số 536 TTr-CP ngày 02/12/2021 của Chính phủ. Cụ thể như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật Đầu tư công, điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án là không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư. Do đó, đề nghị làm rõ nếu các dự án này thuộc kế hoạch thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường thì cần tách ra khỏi số lượng dự án và tổng số vốn đầu tư cho Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Hơn nữa, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 66/2013/QH13 là “Nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020". Tuy nhiên, đối chiếu với Phụ lục 1 của Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời hạn hoàn thành dự án đối với một số dự án trong các văn bản này đang không thống nhất. Đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về việc xác định thời hạn hoàn thành các dự án cao tốc trong Báo cáo để phù hợp với Quy hoạch và nguồn lực hiện nay, bảo đảm tính khả thi. Trường hợp đoạn đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường thì đề nghị Chính phủ cân đối nguồn vốn đầu tư với các dự án còn lại để đáp ứng mục tiêu cân đối nguồn lực đã đề ra, nhất là trong điều kiện cả nước đang phải tập trung khôi phục nền kinh tế do hậu quả của đại dịch COVID-19 gây ra.

Với Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 theo Tờ trình số 536/TTr-CP ngày 02/12/2021 của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có giải pháp kết nối các biện pháp quản lý, triển khai 02 Dự án quan trọng quốc gia có nhiều điểm tương đồng về lĩnh vực, nội dung, chính sách nêu trên, bảo đảm hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, phát huy các kinh nghiệm, giải pháp hữu ích về cơ chế, chính sách, về giải phóng mặt bằng, về môi trường, khoa học, công nghệ, về huy động và phân bố vốn đầu tư... trong triển khai thực hiện các Dự án.

Đối với kiến nghị Quốc hội ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để thực hiện nối thông 2 làn xe theo Nghị quyết số 66/2013/QH13, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã quyết định phân bổ vốn đầu tư công trung hạn bằng nguồn ngân sách nhà nước cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong đó đã giao cho Bộ Giao thông vận tải. Theo Báo cáo của Chính phủ, sau khi thực hiện cân đối các khoản đầu tư, Chính phủ sẽ dự kiến báo cáo Quốc hội cân đối bổ sung nguồn vốn đầu tư vào 03 dự án thành phần để hoàn thành việc nối thông toàn tuyến. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn và phải dành nhiều nguồn lực cho các mục tiêu quan trọng khác, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, có phương án cân đối nguồn lực trong phạm vi vốn đầu tư công trung hạn đã được phân bổ để hoàn thành các dự án thành phần, thực hiện việc nối thông toàn tuyến, góp phần hoàn thiện Dự án.

Đối với kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong các giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến sang hình thức đầu tư công, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị như sau:

Khoản 5 Điều 43 của Luật Đầu tư công năm 2019 chỉ quy định duy nhất một trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án như sau: “Trường hợp điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án lớn hơn tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dự án phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án”. Do đó, nếu đề xuất nêu trên của Chính phủ làm tăng mức vốn đầu tư công thì Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định về nội dung này theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Đầu tư công: “Cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”. Đồng thời, Chính phủ cần thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 19 của Luật Đầu tư công cũng như cân đối nguồn vốn đầu tư công để có thể triển khai thực hiện dự án.

Trường hợp điều chỉnh hình thức đầu tư nhưng có thể cân đối được nguồn vốn, không làm tăng tổng mức đầu tư thì nội dung nêu trên không phải trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư. Nhưng do Dự án này đã được xác định là đầu tư theo hình thức PPP tại Phụ lục của Nghị quyết của Quốc hội nên vẫn cần trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

Hồ Hương