ĐỀ XUẤT 5 GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM ĐỂ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÔNG TÁC LẬP QUY HOẠCH

23/03/2022

Để đẩy nhanh tiến độ công tác lập quy hoạch trong thời gian tới, tại cuộc làm việc với Đoàn Giám sát của Quốc hội mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đề xuất 5 giải pháp trọng tâm cần triển khai.


Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” vừa có cuộc làm việc với 6 địa phương các tỉnh phía Bắc và miền Trung gồm: Tp.Hải Phòng, Tp.Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình theo hình thức trực tuyến.

Tại cuộc làm việc, các chuyên gia, thành viên Đoàn Giám sát của Quốc hội đã có những câu hỏi với các địa phương về tiến độ quy hoạch, chất lượng quy hoạch. Các địa phương có thể chia sẻ về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch nhưng vẫn đảm bảo hệ thống quy hoạch; sự lựa chọn nhà đầu tư, tư vấn trong điều chỉnh quy hoạch. Chính phủ đã có sự phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất thì việc triển khai quy hoạch ở các địa phương có vướng mắc và đề xuất giải quyết như thế nào? Cách thức xử lý của các địa phương nếu quy hoạch sản phẩm, chuyên ngành có sự chồng chéo...


Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với 6 địa phương các tỉnh phía Bắc và miền Trung.

Trả lời các câu hỏi của các chuyên gia, thành viên Đoàn Giám sát của Quốc hội tại cuộc làm việc về quá trình tổ chức lập quy hoạch, tiến độ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, Hà Tĩnh triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 từ đầu năm 2018, khi Luật Quy hoạch mới được Quốc hội thông qua, chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Để lập quy hoạch, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch làm phó ban và các thành viên là Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; thành lập Ban Quản lý dự án, đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan lập quy hoạch chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương xây dựng đề cương, nhiệm vụ và dự toán, tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định.   

Quá trình triển khai lập quy hoạch, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu cơ quan lập quy hoạch báo cáo tiến độ hàng tuần, hàng tháng để nắm bắt chỉ đạo kịp thời; đồng thời giao các Sở, ban, ngành địa phương nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vấn, cung cấp đầy đủ các tài liệu, tham gia góp ý kiến kịp thời chất lượng và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh đối với ngành, lĩnh vực được giao. Tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là không khoán trắng cho đơn vị tư vấn mà phải tham gia cùng tư vấn; ý tưởng phải xuất phát từ thực tiễn; cái cần ở tư vấn là công cụ phân tích mô hình, dữ liệu, đề xuất ý tưởng (nhưng ý tưởng phải xuất phát từ thực tiễn), phương pháp xây dựng quy hoạch… còn lại phải là nhiệm vụ của các ngành, cơ quan chuyên môn, tranh thủ được càng nhiều ý kiến càng tốt. Nếu các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố không tham gia cùng thì một mình đơn vị tư vấn rất khó làm nổi và chất lượng của quy hoạch sẽ không cao.

UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp làm việc với đơn vị tư vấn, các Sở, ban ngành để nghe báo cáo kết quả nghiên cứu từng giai đoạn lập quy hoạch, tổ chức hội nghị, hội thảo tham vấn các chuyên gia, các nhà khoa học, tham vấn ý kiến Ngân hàng thế giới; lấy ý kiến của các Bộ, ngành trung ương và các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ; đăng tải trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy định và được Hội đồng thẩm định trung ương tổ chức thẩm định theo từng bước chặt chẽ. Tất cả các ý kiến góp ý, thẩm định của các chuyên gia, các nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương trong vùng và các tổ chức, cá nhân trong quá trình lập quy hoạch đã được nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ.  

Mặc dù quá trình lập quy hoạch gặp nhiều khó khăn do nội dung, phương pháp lập quy hoạch tỉnh khác nhiều so với quy hoạch tổng thể trước đây, đồng thời là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện nên chưa có địa phương nào đi trước để học hỏi, tham khảo. Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Hội đồng nhân dân và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự tập trung cao của các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn nên đến nay Hà Tĩnh đã hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.


Tỉnh Hà Tĩnh tham dự cuộc làm việc theo hình thức trực tuyến.

Đề cập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyệt định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022, trong đó xác định, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh cho các địa phương. Theo đó, các địa phương khi lập quy hoạch phải tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất đã được trung ương phân bổ, điều này có phần làm hạn chế trong việc xây dựng các mục tiêu, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực các địa phương do bị khống chế chỉ tiêu sử dụng đất.

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, qua thực tiễn công tác lập quy hoạch tại địa phương, để đẩy nhanh tiến độ công tác lập quy hoạch trong thời gian tới thì cần quan tâm thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất: Các Bộ, địa phương cần tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo (trong điều kiện dịch Covid -19 như hiện nay có thể tổ chức trực tuyến) để trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm trong việc lập quy hoạch;

Thứ hai: Tiếp tục rà soát ban hành hướng dẫn lập quy hoạch, nhất là phạm vi, mức độ chi tiết của từng cấp quy hoạch, tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch;

Thứ ba: Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, làm cơ sở cho các địa phương lập quy hoạch tỉnh;

Thứ  tư: Các Bộ là thành viên Hội đồng thẩm định cần quan tâm hơn đến công tác thẩm định, cho ý kiến thẩm định đối với quy hoạch theo lĩnh vực phụ trách đảm bảo về chất lượng và đáp ứng thời gian theo yêu cầu;

Thứ năm: Các địa phương phải xác định việc lập Quy hoạch tỉnh là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương để có sự tập trung cao nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Đề cập về giải pháp khắc phục sự chồng chéo giữa quy hoạch với quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, thời gian qua, tại Hà Tĩnh còn có sự chồng chéo giữa quy hoạch ngành với quy hoạch xây dựng, nhất là giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng. Nguyên nhân là do quy hoạch sử dụng đất chỉ khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng, chưa nghiên cứu chi tiết đến địa hình, địa vật, việc kết nối hạ tầng kỹ thuật của khu quy hoạch như trong các đồ án quy hoạch xây dựng. Ngoài ra, trong quá trình lập quy hoạch giữa cơ quan được giao lập quy hoạch và các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ; công tác lấy ý kiến góp ý, tổ chức thẩm định quy hoạch chưa tốt; năng lực đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế. Việc này, UBND tỉnh đã và đang từng bước khắc phục, chấn chỉnh; theo đó, đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 và các quy hoạch xây dựng; lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, trong quá trình lập, thẩm định phải tổ chức lấy ý kiến đầy đủ các cơ quan tổ chức có liên quan; công tác thẩm định phải chặt chẽ, chất lượng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch. 

Để góp phần khắc phục chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch xây dựng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát các quy định pháp luật về đất đai và pháp luật về xây dựng để tham mưu, điều chỉnh thống nhất tên gọi và quy cách thể hiện các loại đất và thời kỳ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch (hiện nay thời kỳ quy hoạch sử dụng đất 10 năm trong khi đó thời kỳ lập quy hoạch xây dựng 20-25 năm).

 Về công tác phối hợp lập quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh nhận được văn bản đề nghị góp ý của các bộ, ngành về quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: 05 quy hoạch ngành giao thông (mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không); quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch điện lực; quy hoạch thăm do, khai thác, sử dụng khoáng sản; quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt; quy hoạch lâm nghiệp; quy hoạch phòng chồng thiên tai và thủy lợi và một số quy hoạch khác.  Việc lấy ý kiến và tham gia góp ý của địa phương đối với các quy hoạch trên chủ yếu bằng bằng bản, tổ chức hội nghị, hội thảo./.

Bích Lan

Các bài viết khác