QUY ĐỊNH CỤ THỂ TRÁCH NHIỆM, XỬ LÝ VI PHẠM TRONG VIỆC PHỔ BIẾN PHIM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

28/03/2022

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 9, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về cơ chế phổ biến phim Việt Nam, dự thảo Luật đã bổ sung quy định “Khuyến khích phổ biến phim Việt Nam sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước, phim do tổ chức, cá nhân tài trợ, hiến, tặng” tại khoản 4 Điều 20.

Về quy định khung giờ vàng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nhận thấy, Luật chỉ nên quy định về nguyên tắc, còn các nội dung cụ thể về thời lượng, tỷ lệ phát sóng và khung giờ phát sóng phim Việt Nam, giờ phát sóng phim Việt Nam do văn bản dưới luật hướng dẫn để linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.

Liên quan tới phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tiễn, thống nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 và được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. Trên thực tế, rất khó xác định phim có yếu tố quốc phòng, an ninh trước khi phổ biến trên không gian mạng. Do đó, Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục quy định thống nhất tại dự thảo Luật về thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng; đồng thời, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện Ảnh (sửa đổi)

Đối với trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước từng cấp và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định tại điểm g, h, i khoản 2 Điều 21; quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện việc kiểm tra nội dung phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Về trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan sẽ do Chính phủ quy định sau khi Luật Điện ảnh được ban hành. Nhà nước có chính sách đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động điện ảnh.

Về tăng cường cơ chế kiểm soát các tài khoản đang phát hành phim trên không gian mạng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để kiểm soát phim phổ biến trên không gian mạng.

Đối với việc kiểm tra phân loại phim trên không gian mạng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nêu rõ, Thường trực Uỷ ban đã chỉnh lý, bỏ cụm từ “theo kế hoạch”; quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim lên mạng phải gỡ bỏ phim vi phạm pháp luật để phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng mạng chỉ có thể ngăn chặn, không gỡ bỏ phim vi phạm được. Đồng thời bổ sung quy định về thời gian gỡ bỏ phim vi phạm pháp luật tại dự thảo Luật.

Liên quan tới chính sách phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung quy định giao chính quyền địa phương bảo đảm kinh phí, quyết định và đầu tư thiết bị phổ biến phim, phương tiện vận chuyển phù hợp với thực tế của từng địa phương./.

Minh Thành