Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Báo cáo tại cuộc họp với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, các quy hoạch thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP chủ yếu liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt 02 quy hoạch ngành quốc gia, gồm: Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc xác định thẩm quyền của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư đối với dự án quy hoạch cần phải dẫn chiếu theo quy định tại 03 luật (Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu); các quy định pháp luật về quy hoạch và đấu thầu chưa quy định rõ và nhất quán về thẩm quyền quyết định đầu tư và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Do đó, vẫn còn nhiều vướng mắc về văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện của Bộ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc tích hợp các nội dung quy hoạch các ngành, lĩnh vực có liên quan vào Quy hoạch ngành cần lập còn khó khăn do chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các Bộ ngành trong quá trình xây dựng các Quy hoạch ngành cũng như việc xác định các cơ quan tổ chức tham gia xây dựng các nội dung quy hoạch tích hợp có liên quan.
Theo Bộ trưởng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng; các hợp phần về định hướng phát triển đô thị, nông thôn; định hướng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia là các quy hoạch quốc gia, có vai trò là khung định hướng để cụ thể hóa các chiến lược phát triển ngành xây dựng và là một trong các công cụ quan trọng để thực hiện công tác quản lý chuyên ngành của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về đấu thầu, các viện nghiên cứu là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ (Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, Viện Vật liệu xây dựng) có năng lực và nhiều kinh nghiệm nhưng không được tham gia thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn lập quy hoạch, trong khi có rất ít đơn vị tư vấn có đủ năng lực thực hiện đảm bảo chất lượng nhiệm vụ này, dẫn tới công tác lập quy hoạch gặp khó khăn và chậm triển khai.
Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành làm việc với Bộ Xây dựng
Trong quá trình triển khai lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch, do quy định pháp luật về quy hoạch và đấu thầu chưa quy định rõ và nhất quán về thẩm quyền quyết định đầu tư và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nên dẫn tới lúng túng trong công tác thực hiện, làm chậm tiến độ lập 02 quy hoạch ngành quốc gia do Bộ Xây dựng tổ chức.
Nhận thấy các vướng mắc trên, Bộ Xây dựng đã có 04 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong việc lựa chọn từ vấn lập quy hoạch; đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4415/BXD-KHTC. Đồng thời, để triển khai thực hiện 02 quy hoạch ngành quốc gia nêu trên, Bộ Xây dựng đã tiếp tục chủ động lấy ý kiến Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại văn bản số 388/BXD -VP ngày 03/02/2021 và trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 06/TTr-BXD ngày 23/3/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn lập “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050"; Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1590/BXD-PTĐT ngày 11/5/2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị đối với dự án Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở những tồn tại hạn chế đã được chỉ ra, Bộ Xây dựng đã tiến hành phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ đó quy định rõ trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân; đưa ra các giải pháp, kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch và thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch./.