Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Khánh Linh
Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2015-2019 và giai đoạn 2019-2021; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và ban hành các văn bản triển khai thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác này.
Từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp 253 lượt công dân, tiếp nhận 936 đơn khiếu nại, tố cáo. So với cùng kỳ số lượt công dân trực tiếp đến cơ quan Thanh tra để khiếu nại, tố cáo giảm 8,1% nhưng số đơn lại tăng xấp xỉ 20% và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, chế độ chính sách xã hội. Đáng chú ý, trong số 936 đơn khiếu nại, tố cáo, chỉ có 314 đơn đủ điều kiện, 622 đơn không đủ điều kiện, trùng đơn.
Thực hiện các nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh giao, trong kỳ, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra, rà soát, xác minh điều kiện thụ lý 139/144 vụ, việc, đạt trên 96%; thực hiện 21 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đối với 81 kiến nghị, trong đó đã thực hiện xong 80/81 kiến nghị, xử lý trách nhiệm, yêu cầu 25 tập thể, 23 cá nhân kiểm điểm rút kinh nghiệm; phối hợp với Công an, UBND các huyện, thành phố rà soát, lập danh sách 108 vụ việc; mở 8 lớp tập huấn và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế như cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thường xuyên quan tâm và quyết liệt chỉ đạo, giải quyết những tồn tại, vi phạm liên quan đến đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường; chất lượng, hiệu quả tiếp công dân ở một số nơi, nhất là cấp xã chưa cao; việc tổ chức thực hiện các kết luận, quyết định giải quyết và văn bản chỉ đạo của cấp trên chưa kịp thời; chất lượng kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ và áp dụng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cả 3 cấp có lúc, có việc còn cứng nhắc, thiếu thống nhất…
Để khắc phục những bất cấp trên, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại 2013; Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ tỉnh tăng cường công tác giám sát, tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực còn tồn tại nhiều khiếu nại, tố cáo; tổ chức giám sát các vụ, việc nổi cộm, bức xúc được xã hội quan tâm.
Đánh giá cao nỗ lực của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các đại biểu đề nghị Thanh tra tỉnh chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Tăng cường thanh tra công vụ đối với cấp xã để kịp thời giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở; đánh giá kỹ hơn về việc chấp hành pháp luật tiếp công dân. Tăng cường thanh tra việc đôn đốc, hướng dẫn và thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các sở, ngành, địa phương, nhất là việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu, việc thực hiện các kết luận sau thanh tra.
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh đề nghị Thanh tra tỉnh tiếp thu ý kiến các đại biểu bổ sung, hoàn thiện báo cáo. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh phổ biến, quán triệt và ban hành các văn bản triển khai thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động có các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phân loại đơn, giải quyết, thực hiện các kết luận sau thanh tra, việc lưu trữ hồ sơ, tổ chức thanh tra trách nhiệm.
Cùng với đó đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cập nhật thường xuyên các thông tin, kế hoạch tiếp công dân trên Cổng thông tin của Thanh tra. Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân; tổ chức thanh tra đột xuất, thanh tra lại việc thực hiện các kết luận thanh tra. Chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo mà Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo.
Có kế hoạch, hướng dẫn đôn đốc lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương về thực hiện kế hoạch thanh tra. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; việc lập hồ sơ mẫu cho cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai minh bạch việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.