ĐBQH ĐIỂU HUỲNH SANG: HÀI HÒA HƠN NỮA QUYỀN LỢI CỦA CÁC BÊN TRONG HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

30/03/2022

Góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH Bình Phước đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm hài hòa hơn nữa quyền lợi của người mua bảo hiểm với các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

 

Phát biểu trực tuyến, đại biểu Điểu Huỳnh Sang bày tỏ cơ bản thống nhất với Báo cáo của cơ quan thẩm tra và Tờ trình của Chính phủ đối với dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH Bình Phước

Góp ý về các nội dung cụ thể, đại biểu nêu rõ, về hợp đồng bảo hiểm, các quy định về loại hình bảo hiểm là nội dung rất quan trọng, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các chủ thể trong kinh doanh bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm rất quan trọng với nhiều bên, như bảo vệ lợi ích của người cung cấp dịch vụ, người làm hợp đồng và người thụ hưởng bảo hiểm. Thực tế cũng có trường hợp người ký hợp đồng bảo hiểm nhưng lại ký cho người khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các loại hình bảo hiểm để đảm bảo cách phân loại có hệ thống và thống nhất trong dự thảo.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 15 quy định các loại hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, tại Điều 7 của dự thảo luật quy định là các loại hình bảo hiểm, có 3 loại hình bảo hiểm. Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo phải xem xét quy định tại khoản 1 Điều 15 cũng gồm có 3 loại hợp đồng bảo hiểm cho phù hợp và mỗi hợp đồng bảo hiểm phải có các nghiệp vụ bảo hiểm của từng loại hình bảo hiểm và phải do Chính phủ quy định.

Đại biểu cũng lưu ý dự thảo luật cần bảo đảm hài hòa hơn nữa quyền lợi của người mua bảo hiểm với các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, như quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi thỏa đáng của người mua bảo hiểm, quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong việc sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân của người mua bảo hiểm.

Cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cũng như dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định về quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập hai loại quỹ này đều hướng đến việc bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Đại biểu thống nhất cao với quan điểm của Ủy ban Kinh tế cho rằng việc duy trì cả hai loại quỹ này là không cần thiết và tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm. Vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng góp theo hợp đồng bảo hiểm. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không nên tiếp tục quy định trong dự thảo luật về việc trích nộp quỹ bảo hiểm, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Ở đây với số quỹ liệu còn lại cũng nên giao lại cho Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư của quỹ.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, đại biểu cho biết, tại điểm b khoản 1 Điều 25 dự thảo luật quy định trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì đối tượng bảo hiểm sẽ không tồn tại. Đại biểu cho rằng, quy định này chưa rõ và chưa đảm bảo tính khả thi. Cụm từ "đối tượng bảo hiểm không tồn tại" có thể được hiểu là không có đối tượng bảo hiểm hoặc là đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý. Trường hợp được hiểu là không có đối tượng bảo hiểm quy định hợp đồng vô hiệu là hợp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý lại chưa phù hợp, những tài sản hình thành trong tương lai, ví dụ như nhà ở cũng được xem là một tài sản được bảo hiểm và tại thời điểm giao kết hợp đồng thì nhà chưa hề tồn tại về mặt vật lý. Do vậy, đai biểu đề nghị Ban soạn thảo phải xem xét, điều chỉnh cụ thể quy định khoản này để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng và phù hợp khi xác định các trường hợp đồng vô hiệu, đảm bảo dễ tiếp cận cũng như dễ thực hiện trong dự thảo luật.

Về hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm, Khoản 2 Điều 11 quy định "doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm và các thông tin khác có liên quan để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm". Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này để bảo đảm thống nhất và phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự cũng như Hiến pháp năm 2013. Vì trong dự thảo luật chưa quy định cơ sở để đảm bảo cho các công ty bảo hiểm không cung cấp thông tin của khách hàng cho một tổ chức, cá nhân khác khi chưa có sự đồng ý của khách hàng. Thực tế có rất nhiều công ty công nghệ hiện nay cung cấp thông tin khách hàng bất hợp pháp mà các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin vừa qua. Do vậy, dự thảo luật phải có những điều khoản quy định về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Bảo Yến