PHẢI TẬP TRUNG GIÁM SÁT NHỮNG NỘI DUNG NÓNG, DƯ LUẬN QUAN TÂM, BÀI TOÁN KHÓ CHƯA CÓ LỜI GIẢI ĐÁP

31/03/2022

Tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng phải tập trung giám sát những nội dung nóng, dư luận quan tâm, điểm nghẽn, nút thắt, bài toán khó chưa có lời giải đáp.

 

Toàn cảnh phiên họp

Tại Phiên họp thứ 9, cho ý kiến về báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận các nội dung: những vấn đề nổi lên qua bước đầu tổng hợp báo cáo của Đoàn giám sát; việc bám sát phạm vi giám sát các ngành, các lĩnh vực, các đối tượng giám sát và thời gian giám sát như trong báo cáo; thông tin, số liệu để làm căn cứ đánh giá, nhận định về chất lượng báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát, việc khắc phục tình trạng báo cáo kém chất lượng, nội dung thông tin, số liệu sơ sài của nhiều bộ, ngành, địa phương để đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát; kết quả bước đầu qua nghiên cứu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, việc ban hành chính sách, pháp luật và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán và xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; những đánh giá tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, cả những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo liên quan đến nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản chỉ đạo, điều hành, các quy định pháp luật có liên quan, những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; lựa chọn các bộ, ngành, địa phương để tiến hành giám sát… 

Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phải tập trung giám sát những nội dung nóng, dư luận quan tâm, điểm nghẽn, nút thắt, bài toán khó chưa có lời giải đáp. Đây là vấn đề mà dư luận xã hội trong nhân dân, qua báo chí và các kênh thông tin cần phải quan tâm, làm rõ. Trong đó, đặc biệt chú ý giám sát sâu, triển khai thực hiện, quyết toán các dự án trọng điểm thuộc các ngành như giao thông, dầu khí, điện gió, nhiệt điện; việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước không đảm bảo hiệu quả, làm rõ các dự án là chậm tiến độ, vì sao chậm tiến độ, thiếu vốn hay khâu đền bù tái định cư chậm, hay nhà thầu thi công không đảm bảo năng lực, các dự án thua lỗ không có khả năng thu hồi vốn?

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, một vấn đề cần quan tâm là trong cả nước đối với các dự án ngừng thi công, đình hoãn, dở dang do không triển khai được vì thiếu vốn còn bao nhiêu? Ví dụ như đường, cầu, các dự án là công trình phúc lợi công cộng… 

Thảo luận tại Phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, báo cáo của Đoàn giám sát cần bổ sung đánh giá về việc thực hiện chủ trương của Đảng, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, trong đó có một chủ trương là kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian, giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế và nội dung sắp xếp tinh gọn bộ máy cũng được xác định là một nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, liên quan đến lĩnh vực công. Đồng thời, đề nghị Đoàn cũng quan tâm đến việc phân tích và đánh giá những nội dung cụ thể và số liệu cụ thể liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy như trong báo cáo lại thấy tăng lên và cũng có những nội dung tăng tương đối nhiều. Ví dụ như Cục thuộc Tổng cục tăng tới 67 tổ chức ở các cơ quan Trung ương… Đây cũng là vấn đề được quan tâm rất lớn, do đó, cần rà soát lại và có những đánh giá một cách sát thực, tổng hợp một cách đầy đủ hơn về lĩnh vực này. 

Tham gia ý kiến tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị qua cuộc giám sát tổng thể này, vì dư luận cử tri cũng rất quan tâm, Đoàn giám sát cần phải chỉ ra được nơi nào làm tốt và nơi nào làm không tốt, có ví dụ điển hình. Qua thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng cần tập trung giám sát vào những điểm nhấn gồm: lãng phí về đất đai để hoang hóa và dự án treo; các dự án dang dở, chậm tiến độ; vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, về lãng phí về đất đai để hoang hóa và dự án treo, có những khu đô thị đã xây dựng 10 năm nhưng chỉ một nhà có người ở, còn lại là cỏ mọc bỏ hoang hóa, gây lãng phí đất đai, đề nghị Đoàn giám sát tập trung vào lĩnh vực này. Đối với, các dự án dang dở, chậm tiến độ, ngoài 12 dự án điển hình mà Chính phủ báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị rà soát các dự án khác qua khảo sát thực tiễn và thông tin báo chí, đây là một hình thức lãng phí rất lớn. Về quản lý, sử dụng tài sản công, giám sát cho thấy việc mua sắm, sử dụng tài sản công vượt tiêu chuẩn, định mức; việc xử lý, sắp xếp các trụ sở, nhiều cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các bộ, ngành, địa phương và khối doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quản lý tài sản công cũng là một trong lĩnh vực có nhiều lãng phí. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Đoàn giám sát cần tập trung khai thác vào 3 điểm nhấn trên. Qua giám sát, hy vọng tạo được một sự chuyển biến mạnh mẽ. Chỉ khi chúng ta nêu rõ trách nhiệm thì mới tạo được sự chuyển biến, còn nếu vấn đề chung chung là “có nơi, có lúc, có đơn vị, có địa phương” mà không nêu cụ thể là đơn vị, địa phương nào làm chưa tốt thì cuộc giám sát sẽ không tạo được chuyển biến trong thực tiễn. 

Kết luận Phiên họp liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả bước đầu và dự kiến kế hoạch triển khai của Đoàn giám sát trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng cần phải nghiên cứu số lượng các địa phương đi giám sát cho bảo đảm có tính phổ quát, tính đại diện trong chuyên đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận

Đồng thời, đề nghị Thường trực Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội qua các phiên làm việc về các nội dung trong báo cáo để làm rõ các mô hình hay, cách làm hiệu quả, cũng như tập trung lựa chọn những vấn đề nóng, trọng tâm, được dư luận quan tâm để tổ chức giám sát, chỉ rõ những thất thoát, lãng phí, đề cập đến trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước bằng việc chúng ta phải lượng hóa tối đa tình hình bằng số liệu, để có nhận định, đánh giá chính xác tất cả các lĩnh vực, nội dung giám sát.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng chuẩn bị những nội dung cụ thể để yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương báo cáo khi làm việc trực tiếp, làm rõ nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm, vì sao một số bộ, ngành đến nay chưa báo cáo. Các đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát theo chức năng, nhiệm vụ và báo cáo theo kế hoạch của Đoàn./.

Hồ Hương